Tân Uyên: Nhu cầu giáo dục mầm non tăng cao

Cập nhật: 11-05-2011 | 00:00:00

Từ một huyện nông nghiệp, kinh tế Tân Uyên đang chuyển dịch sang công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn huyện đang dần hình thành các khu công nghiệp, từ đó đã giải quyết được công ăn việc làm cho dân địa phương, đồng thời thu hút dân các tỉnh đến làm việc. Điểm chung ở các huyện đang phát triển công nghiệp là lực lượng lao động đa số còn trẻ, con còn nhỏ, thế nên nhu cầu học tập cho con em họ, nhất là trẻ mầm non gia tăng đáng kể. Hiện nay, tất cả các trường công lập đều không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, đây là áp lực lớn đối với ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) huyện.

Thực trạng quá tải

Hiện nay, số dân nhập cư ở Tân Uyên ngày càng gia tăng chủ yếu ở các địa bàn tập trung nhiều công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp ở phía nam như các xã, thị trấn: Thái Hòa, Tân Phước Khánh, Khánh Bình, Uyên Hưng, Hội Nghĩa... Chỉ tính riêng xã Hội Nghĩa, theo thống kê, xã có khoảng 14.000 dân nhập cư, trong khi đó dân địa phương chỉ có 4.000 người. Qua con số này cũng đủ thấy xã đang chịu áp lực về mọi mặt, nhất là về giáo dục. Ở ngành học mầm non, xã có 1 trường mầm non Hội Nghĩa hiện có 430 cháu, so với quy mô quá tải khoảng 80 cháu. Nếu trường còn khả năng nhận cháu thì con số này chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa. Bà Phạm Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường tỏ ra bức xúc: “Do trường chúng tôi đã đạt chuẩn quốc gia, theo quy định sẽ không được để quá tải. Để được công nhận lại trong năm tới, thì tình trạng quá tải không thể tiếp diễn. Chúng tôi thật sự xót xa khi không thể nhận thêm cháu vào học”.  

  Do địa bàn rộng, hiện tại Tân Uyên vẫn còn nhiều điểm lẻ

Ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, hiện nay tất cả các trường công lập đều không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Đây là áp lực lớn đối với ngành. Trường công không đáp ứng đủ, hệ thống trường ngoài công lập phát triển. Hiện tại, huyện có 4 trường, 2 tổ mầm non và 23 nhóm lớp được cấp phép hoạt động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị những cơ sở này tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu theo quy định của bậc học. Tuy nhiên, chất lượng của trường ngoài công lập còn hạn chế. Nguyện vọng của đa số phụ huynh là muốn gửi con ở trường công, vì chi phí thấp, an toàn, phụ huynh yên tâm hơn.

Hướng phát triển

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Để làm được điều này, điều kiện đầu tiên là phải bảo đảm cơ sở vật chất. Theo đánh giá cơ sở vật chất ở các trường công lập của huyện được phát triển hàng năm, từ việc trang bị, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị góp phần nâng cao chất lượng và giữ vai trò nòng cốt trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, trừ những trường một buổi có nhiều điểm lẻ chưa đầu tư vì xa điểm chính không bảo quản được. Trong năm học này, huyện đã xây mới, sửa chữa nhỏ ở nhiều trường mẫu giáo - mầm non. Tính đến cuối tháng 4, hai trường mầm non Tân Hiệp và Hoa Mai đã được đầu tư xây dựng, dự kiến đạt chuẩn quốc gia trong năm nay.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở Tân Uyên là còn 2 xã Phú Chánh và Thạnh Hội chưa có trường mầm non - mẫu giáo. Còn 6 xã chưa có trường bán trú là: Thường Tân, Tân Mỹ, Lạc An, Vĩnh Tân, Tân Bình, thị trấn Thái Hòa và còn một số trường có nhiều điểm lẻ, nên việc tập trung trẻ bán trú còn khó khăn.

Để phát triển hệ thống giáo dục mầm non cũng như thực hiện tốt phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, theo ông Hùng, giải pháp trước mắt là xây dựng trường cho 2 xã “trắng”; ở những trường chưa thực hiện bán trú, ngành phối hợp với các trường vận động phụ huynh đưa đón con học 2 buổi; vận động trẻ 5 tuổi ở những điểm lẻ ra học điểm chính. Ngoài ra, huyện có kế hoạch xây dựng mới các trường còn khó khăn để bảo đảm đến năm 2015 xây dựng trường mầm non - mẫu giáo tập trung để tổ chức dạy bán trú.

Bà NGUYỄN HỒNG SÁNG, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Huyện có quan tâm đầu tư cho giáo dục nhưng chưa đồng bộ giữa các bậc học. Sở sẽ tham mưu tỉnh làm việc với Ban Quản lý các KCN, đề nghị các KCN quan tâm đến giáo dục mầm non. Trong kế hoạch phát triển, huyện phải chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình hiện nay.

Bà PHẠM THỊ HUÊ TRANG, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT: Tốc độ phát triển công nghiệp của huyện nhanh, Phòng GD-ĐT nên tích cực, chủ động tham mưu với huyện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, quan điểm là xây dựng trường bán trú, xây dựng tập trung, hạn chế điểm lẻ; phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Ông PHẠM VĂN LỜI, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên: Cơ sở vật chất đang là vấn đề bức xúc của huyện, huyện sẽ cố gắng giải quyết quỹ đất xây dựng trường. Tỉnh nên ưu tiên hơn cho huyện trong phân bổ kinh phí như vốn đầu tư xây mới, cải tạo sửa chữa... Về phía huyện sẽ tập trung nhiều giải pháp để phát triển hệ thống mầm non, đồng thời triển khai thực hiện tốt phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi như: phân luồng điều tiết, thực hiện xã hội hóa...

 

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=250
Quay lên trên
X