UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 111/ KH/UBND về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong năm 2018. Hiện các địa phương và đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện kế hoạch để chủ động phòng chống dịch bệnh.
Không chủ quan, lơ là
Đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, chi cục đã xây dựng xong kế hoạch tiêm phòng vắc xin trên gia súc, gia cầm với các nội dung chính: Chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững tại các địa phương; khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bao gồm cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh, dịch tã trên heo. Theo đó, việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với gia cầm đợt 1 bắt đầu từ tháng 3-2018, đợt 2 bắt đầu từ tháng 9-2018. Trong khi đó, việc tiêm phòng vắc xin đối với đàn gia súc cũng được tiến hành hai đợt vào tháng 4 và tháng 10-2018.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh thịt heo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.NHIÊN
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho hay, đối với bệnh lở mồm long móng, đối tượng tiêm phòng là heo, trâu, bò, dê, cừu tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Đối với bệnh tai xanh, đối tượng tiêm phòng là heo nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Đối với bệnh dịch tã heo sẽ tiến hành tiêm phòng tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Theo ông Cường, nguồn vắc xin tiêm phòng đã được chuẩn bị đầy đủ, năm 2018 ngành sẽ cố gắng thực hiện tiêm phòng dịch bệnh bảo đảm đàn gia súc, gia cầm có miễn dịch đạt tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin đạt từ 70% trở lên
Theo Kế hoạch 111-KH/ UBND, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y... Lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng là nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh tai xanh, tã, lở mồm long móng, cúm gia cầm. Chủ động giám sát tình hình dịch bệnh, kiểm soát và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi khi dịch bệnh xảy ra
Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh
Ông Trần Phú Cường cho biết, hiện đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm dịch, kiểm soát gia súc, gia cầm cũng như sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển, lưu thông qua địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần của Thông tư số 25/2016/TT-BNTPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, công tác định kỳ kiểm tra, giám sát tình hình thú y tại tất cả cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh sẽ được tăng cường và tiến hành liên tục trong thời gian tới; kiên quyết xử lý các trường hợp giết mổ trái phép và vi phạm điều kiện vệ sinh thú y, môi trường.
Ngành thú y và các địa phương sẽ tăng cường giám sát lâm sàng phát hiện bệnh (giám sát bị động) nhằm phát hiện ca bệnh kịp thời để khoanh vùng, dập dịch bệnh kịp thời để giảm thiệt hại về kinh tế và nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Ngành cũng hướng dẫn nhân viên thú y các hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gia súc, gia cầm trong suốt quá trình nuôi.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương và đơn vị liên quan cần chủ động giám sát nhằm phát hiện các trường hợp gia súc, gia cầm mang mầm bệnh, đồng thời đánh giá tỷ lệ lưu hành vi rút gây bệnh trong quần thể gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đồng thời, giám sát sau tiêm phòng nhằm đánh giá đáp ứng miễn dịch của đàn gia súc, gia cầm sau khi được tiêm vắc xin; tỷ lệ kháng thể bảo hộ sau khi tiêm phòng ước tính và số lượng mẫu để giám sát thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính cân đối ngân sách, bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh; đồng thời đưa ra định mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy do dịch bệnh theo đúng Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 9-1-2012 của UBND tỉnh và Công văn số 1597/STC-HCSN ngày 7-8-2015.
Ông Mai Hùng Dũng cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan và các UBND huyện, thị, thành phố nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh trong năm 2018; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn có liên quan về đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Mục tiêu của tỉnh là kiểm soát chặt chẽ các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh đưa ngành chăn nuôi tỉnh nhà phát triển bền vững.
XUÂN VĨ