Tháng 9 này, Chi cục Thú y và thủy hải sản tỉnh sẽ tăng cường tiêm phòng vắc-xin trên gia súc, gia cầm; trong đó đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ sẽ được tiêm phòng miễn phí. Đây là lần tiêm phòng dịch bệnh quy mô lớn trên toàn tỉnh, theo đúng tinh thần của Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 24-6-2012 của UBND tỉnh.
Tích cực hỗ trợ các hộ chăn nuôi
Theo Chi cục Thú y và thủy hải sản tỉnh, trong tháng 9 và tháng 10 năm nay, chi cục sẽ tiến hành tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các khu, ấp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Hàng chục ngàn liều vắc-xin phòng chống dịch bệnh đã được chi cục chuẩn bị đầy đủ cho lần tiêm phòng quy mô lớn lần thứ hai trong năm, để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm hiện có trong toàn tỉnh.
Với những hộ nuôi bò quy mô dưới 20 con như gia đình anh Nguyễn Tấn Thành, ở xã An Tây, TX.Bến Cát sẽ được tiêm phòng dịch bệnh miễn phí. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Mục tiêu Bình Dương hướng tới là tạo được miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm, tiến tới khống chế thành công dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh trên gia súc. Chỉ tiêu tiêm phòng đợt này của tỉnh là đạt tối thiểu 90% gia súc trong diện tiêm. Đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, ngoài tiêu chí được hưởng chính sách tiêm phòng miễn phí của tỉnh, các trang trại phải tự tổ chức tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng, dịch tả cho đàn gia súc bảo đảm tỷ lệ 100% trên đàn vật nuôi. Đối với trạm thú y các huyện, thị, thành phố, căn cứ kế hoạch tiêm phòng của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh, kế hoạch tiêm phòng của Chi cục Thú y và thủy hải sản tỉnh để xây dựng kế hoạch chi tiết về vật tư, tập huấn trước khi tiêm phòng; dự toán kinh phí tiêm phòng... từ ngân sách của các địa phương.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và thủy hải sản tỉnh cho biết, do bệnh lở mồm long móng, dịch tả không có thuốc đặc trị và mang trùng kéo dài nên tiêm vắc-xin là biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất. Các địa phương cần lưu ý dịch bệnh này trên đàn bò, dê, cừu và bò sữa. Tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng chỉ có kết quả trên cơ sở tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch như: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng, an toàn sinh học…
Không để dịch bệnh lây lan trên người
Cũng theo ông Cường, tháng 9 này, Chi cục Thú y và thủy hải sản tỉnh sẽ tập trung tiêm phòng cúm gia cầm, tháng 10 tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh. Sau đợt tiêm phòng này, chi cục sẽ tiếp tục tiêm bổ sung đối với các đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh hoặc đàn vật nuôi tới tuổi phải tiêm phòng.
Đối với tiêm phòng cúm gia cầm, mục tiêu của Chi cục Thú y và thủy hải sản tỉnh là tiếp tục khống chế cúm gia cầm thể độc lực cao một cách bền vững; cùng với đó gây miễn dịch cho đàn gia cầm, thủy cầm và duy trì mức kháng thể đủ khả năng phòng bệnh cúm gia cầm subtyp H5 gây ra. Chi cục cũng đang hướng tới khống chế dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, hạn chế sự lây nhiễm vi-rút H5N1 cho người, bảo đảm an toàn cho người tham gia tiêm phòng.
Chi cục Thú y và thủy hải sản tỉnh cũng lưu ý các địa phương bảo đảm điều kiện bảo quản vắc-xin theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Các trạm thú y phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các công việc chuẩn bị cho công tác tiêm phòng để kịp thời triển khai tiến độ theo đúng kế hoạch. Đối với Trạm Chẩn đoán - Xét nghiệm của chi cục, cần xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát huyết thanh nhằm xác định tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng. Riêng các phòng tổng hợp, phòng dịch tễ trực thuộc chi cục tham gia cung ứng vắc-xin, tổ chức tập huấn tiêm phòng và giám sát tiêm phòng…
Đối với công tác phòng dịch dại trên chó, mèo, ông Cường cho biết thêm, ngoài đợt ra quân lớn nhất từ quý I-2016, hàng tháng các trạm thú y địa phương tiếp tục tiêm phòng bổ sung, không để bệnh dại trên chó, mèo làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và thủy hải sản tỉnh cho biết, trong đợt tiêm này, các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm có số lượng đàn dưới 2.000 con, heo thịt dưới 50 con, heo nái dưới 20 con, trâu bò dưới 20 con… sẽ được tiêm phòng hoàn toàn miễn phí.
XUÂN VĨ