Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

Cập nhật: 04-12-2017 | 08:23:59

Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp (KCN) và hơn 33.000 doanh nghiệp (DN). Để phát triển bền vững, thời gian qua Bình Dương luôn quan tâm công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Đặc biệt, thời gian gần đây tỉnh rất chú trọng đến tăng trưởng xanh.

 Từng bước cải thiện môi trường

Ngoài những tác động từ quá trình công nghiệp hóa, nguồn lao động ngoài tỉnh cũng tạo không ít thách thức cho Bình Dương khi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, có thể nói Bình Dương đã làm rất tốt chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã đề ra. Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng vào các công trình phục vụ cho công tác BVMT; giai đoạn 2015-2020 là hơn 13.300 tỷ đồng nhằm cải thiện chất lượng môi trường. Điều đó cho thấy, Bình Dương ngày càng chú trọng hơn trong việc định hình phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

 Bình Dương đang đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh để phát triển bền vững. Trong ảnh: Khu công nghệ cao Maple Tree Business Park thân thiện với môi trường tại Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và DN, Bình Dương đã đạt rất nhiều chỉ tiêu quan trọng về BVMT mà Trung ương đề ra. Điều quan trọng là nhận thức, trách nhiệm và hành động BVMT đã có sự chuyển biến trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và dân cư. Trên cơ sở đó, việc khuyến khích đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và đầu tư có chọn lọc trên địa bàn tỉnh đã góp phần phòng ngừa, khắc phục và hạn chế ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, từ đó từng bước chủ động khống chế và kiểm soát ô nhiễm.

Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT những năm qua đã ngày càng được nâng lên; năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý môi trường cũng được tăng cường. Trong khi đó, việc đầu tư tập trung, đồng bộ, hiệu quả các dự án về môi trường đã giải quyết kịp thời những bức xúc; chất lượng nguồn nước tại các kênh, rạch đã được cải thiện; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý tốt và di dời kịp thời… Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại mà các cơ quan, sở, ban ngành đang nỗ lực để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường.

Theo Sở Xây dựng, tổng diện tích cây xanh hiện nay của tỉnh là gần 1.700 ha. Khảo sát cho thấy, mảng xanh tại các đô thị trong tỉnh còn thiếu, đặc biệt là dọc theo các tuyến đường giao thông. Để bảo đảm việc phát triển đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống, sắp tới tỉnh sẽ tăng cường phủ xanh tại các đô thị để góp phần cải thiện môi trường sống.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chia sẻ, theo kết quả quan trắc thì chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều nằm trong quy chuẩn cho phép và ít biến động. Công tác thu gom chất thải rắn đô thị hiện đạt tỷ lệ gần 90%. Sắp tới, sở sẽ nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị, hạn chế quá trình đốt rác thải không kiểm soát dễ phát sinh ra khí độc.

Bình Dương đang có chiến lược xây dựng thành phố thông minh song song với quá trình công nghiệp hóa. Chắc chắn khái niệm phát triển bền vững, tăng trưởng xanh sẽ không lạ lẫm với người dân và các DN. Thành phố thông minh sẽ không tách rời tăng trưởng xanh và ngược lại, tăng trưởng xanh sẽ giúp cho Bình Dương trở thành đô thị văn minh, đáng sống.

Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm chất lượng môi trường và an sinh xã hội trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi và chịu nhiều tác động tiêu cực do tăng trưởng thấp, khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia và biến đổi khí hậu. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đã đề ra, tháng 9-2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh ở Việt Nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đối với Bình Dương, UBND tỉnh vừa ban hành danh mục các ngành nghề, vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường (ONMT), sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh và các giải pháp phòng ngừa, xử lý. Theo đó, có 12 ngành nghề có nguy cơ xảy ra ONMT, sự cố ONMT; 7 vùng, địa điểm có nguy cơ ONMT nước mặt thuộc huyện Bàu Bàng, các TX.Bến Cát, Dĩ An, Tân Uyên, Thuận An và TP.Thủ Dầu Một; 3 vùng, địa điểm có nguy cơ ONMT nước dưới đất thuộc các TX.Tân Uyên, Bến Cát và Thuận An; 2 vùng, địa điểm có nguy cơ ONMT không khí thuộc các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo; 13 vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường thuộc các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, các TX.Dĩ An, Bến Cát, Thuận An và TP.Thủ Dầu Một.

Với số lượng hàng ngàn DN đang hoạt động trong các KCN, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng đến yếu tố môi trường để bảo đảm sự phát triển bền vững. Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã cảnh báo một số vùng, địa điểm trên địa bàn các huyện, thị, thành phố trong tỉnh có nguy cơ ONMT để hạn chế những cơ sở sản xuất, nhà máy hoạt động trong khu vực này.

Theo ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên), việc hạn chế danh mục ngành nghề và cấm hoạt động sản xuất công nghiêp gây ONMT tại khu dân cư là việc làm rất cần thiết. Bình Dương đang là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của khu vực phía Nam, điều đáng nói việc chọn lựa thu hút đầu tư của tỉnh rất khoa học, có chọn lọc. Thực tế cho thấy, tỉnh đã nhiều lần từ chối các dự án đầu tư lên đến hàng chục triệu USD chỉ vì dự án có những tác nhân gây tổn hại tới môi trường.

Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng các đô thị của Bình Dương trong thời gian tới cần nhiều hơn. Giải quyết vấn đề này, hiện các nhà máy, cơ sở chế biến nằm trong các khu dân cư trên địa bàn đang được tỉnh chỉ đạo di dời vào các KCN. Đây là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trên con đường đưa Bình Dương trở thành thành phố xanh - sạch - đẹp, thành phố đáng sống và xa hơn nữa là thành phố thông minh. Chính vì vậy, việc ban hành danh mục ngành nghề hạn chế thu hút đầu tư và cảnh báo các khu vực dễ bị tổn hại về mặt môi trường đang được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng tình, ủng hộ.

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=615
Quay lên trên