Theo đánh giá của tỉnh, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Năm 2022, tỉnh cũng phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất 18 chỉ tiêu đề ra. Chính vì lẽ đó, các cấp, các ngành tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục những đứt gãy của chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những DN tạm ngưng hoạt động sớm ổn định sản xuất, phát triển thị trường.
Để tạo đà cho hoạt động sản xuất những tháng tiếp theo, các DN cho biết cần tiếp tục bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các thủ tục hành chính.
Trong dài hạn, các DN đề xuất cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp. Đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, sản xuất, xuất khẩu chủ lực như công nghiệp hỗ trợ, gỗ, cơ khí, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm... Cùng với đó, địa phương nên triển khai hiệu quả các giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, người dân, giúp DN khôi phục nguồn lực về tài chính và lao động. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) rất ý nghĩa, đặc biệt đối với NLĐ muốn nâng cao tay nghề, chuyển đổi vị trí công việc tốt hơn hoặc duy trì việc làm để bảo đảm thu nhập.
Hiểu được tâm tư, nguyện vọng đó, trong thời gian qua, các ngành đã phối hợp với địa phương, hiệp hội DN để thông tin tuyên truyền và triển khai để DN và NLĐ hiểu được ý nghĩa của việc đào tạo nghề nghiệp, tiếp cận chính sách hỗ trợ thuận lợi nhằm duy trì việc làm tốt, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập ổn định cho NLĐ cũng như góp phần vào sự phục hồi và phát triển của DN.
KHẢI ANH