Tạo động lực để ngành gỗ trong nước vươn xa

Cập nhật: 15-08-2018 | 07:53:42

Ngành gỗ Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây. Từ chỗ gia công, sản xuất chỉ một số mặt hàng theo mẫu mã, đơn đặt hàng của khách hàng, tập trung vào một vài nhóm gỗ nhất định, đến nay ngành sản xuất, chế biến gỗ trong nước đã chủ động tiếp cận thị trường, cập nhật công nghệ mới, tiến tới chủ động thiết kế mẫu mã, tổ chức sản xuất, thâm nhập thị trường, trong đó có các thị trường nổi tiếng khắt khe, khó tính nhưng nhiều tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Hoạt động sản xuất đồ gỗ tại Công ty Cổ phần Gỗ Thuận An (TX.Thuận An). Ảnh: DUY CHÍ

Doanh nghiệp gỗ ngày càng năng động

Năm 2017, dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động sau cơn suy thoái kéo dài nhưng lại là năm đỉnh cao của ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Lần đầu tiên, ngành chế biến gỗ nước ta đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD. Số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước đạt 4,13 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ tính trong tháng 6-2018, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt 750 triệu USD. Các mặt hàng đồ gỗ chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao tập trung vào nhóm đồ gỗ nội thất như: bàn ghế trong nhà, phòng ăn, phòng ngủ… chiếm đến 61,6%.

Con số và nhóm sản phẩm trên cho thấy năng lực sản xuất, tính thẩm mỹ, tính tiện ích, đặc biệt là tính an toàn và nét văn hóa đặc trưng trên từng sản phẩm đồ gỗ xuất xứ từ Việt Nam đã không còn nằm ngoài hiên nhà, mà đã vào sâu tận trong nhà, phòng khách, phòng ăn và cả phòng ngủ của khách hàng tại các thị trường khó tính.

Trong quá trình phát triển, tiếp cận công nghệ, thị trường, các nhà sản xuất gỗ trong nước đã sớm làm chủ công nghệ, phát huy tính năng động sáng tạo trong sản xuất chế biến, tận dụng nguyên liệu để cho ra các mặt hàng, sản phẩm mới từ gỗ như ván lạn, ván sàn, dăm gỗ... Nhóm mặt hàng này cũng chiếm tỷ trọng từ 11 - 20%/tổng kim ngạch xuất khẩu chung của ngành chế biến gỗ trong nước hiện nay. Điều này cho thấy, tính năng động sáng tạo, năng lực sản xuất, khả năng tiếp cận, tiềm năng phát triển và làm chủ công nghệ, đặc biệt là trình độ quản lý, tiếp cận thị trường của các nhà sản xuất, doanh nghiệp gỗ nước ta đã không ngừng lớn mạnh trong quá trính hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp sản xuất gỗ vừa diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các địa phương, các doanh nghiệp, nhà sản xuất về thành tích đạt được; đồng thời đặt ra yêu cầu “10 năm nữa Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới”.

Các chuyên gia cho rằng, với đà phát triển như hiện nay, yêu cầu của Thủ tướng là không quá cao và hoàn toàn khả thi. Tuy vậy, nếu tập trung phân tích các số liệu, dữ liệu về số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kim ngạch của từng nhóm doanh nghiệp thì sẽ thấy số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) luôn lấn át doanh nghiệp trong nước về tỷ trọng, nhưng số lượng trực tiếp xuất khẩu lại không nhiều. Trong số doanh nghiệp FDI của ngành gỗ tại Việt Nam, doanh nghiệp từ châu Âu chiếm số lượng rất khiêm tốn, doanh nghiệp có quốc tịch châu Á chiếm tỷ lệ áp đảo, trong đó tập trung vào một số quốc gia nằm trong danh sách “cấm cửa” bằng rào cản thuế chống bán phá giá vào thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Động lực để ngành gỗ vươn xa

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ngành chế biến gỗ đang có những thuận lợi để khẳng định trên thị trường quốc tế. Đơn cử, khu vực Thương mại tự do ASEAN giúp ngành gỗ mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm nhu cầu về sản phẩm nội thất tại nhiều thị trường lớn trên thế giới tăng, đây chính là yếu tố chính thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan.

Tuy vậy, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp gỗ trong tỉnh cho rằng cơ hội cho ngành gỗ rất lớn nhưng thách thức cũng không ít. Thách thức lớn nhất là nguồn nguyên liệu. Đối với gỗ khai thác trong nước, các doanh nghiệp phải loại trừ được gỗkhai thác bất hợp pháp, như gỗ cónguồn gốc từrừng chuyển đổi bất hợp pháp, gỗkhai thác lậu từcác khu vực cấm, gỗtừcác khu vực nội chiến... Đây là vấn đề rất quan trọng, vì các thị trường truyền thống chủ lực như châu Âu, châu Mỹ... đang có những yêu cầu khắt khe về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, cùng với trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo tồn sự đa dạng sinh học.

Đã rất nhiều lần đại diện các hiệp hội, lãnh đạo doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung lên tiếng, chỉ ra thế yếu của các doanh nghiệp trong nước là luôn bị động, thiếu nguyên liệu để sản xuất, không dám ký các đơn hàng xa. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nước ngoài tìm cách “di cư” sang thị trường Việt Nam để tận dụng lợi thế giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O) thì có cách tổ chức theo hệ thống rất bài bản, là: Sản xuất - chế biến - thành phẩm. Tức là có những doanh nghiệp chuyên thu gom nguyên liệu để cung cấp cho doanh nghiệp chuyên chế biến rồi chuyển sang doanh nghiệp chuyên làm thành phẩm để xuất khẩu.

Cách tổ chức theo kiểu “Cây tre trăm đốt” như trên vừa là cái thế để các “đại gia” làm chủ tình hình, tạo ra những cơn biến động, tăng giảm bất thường nhằm gây khó khăn trong thực hiện kế hoạch của đối thủ và cũng vừa là “chiêu” né thuế bằng nghệ thuật chuyển giá.

Hội nhập, mở cửa thị trường sẽ không còn cách điều hành theo kiểu “Việc gì quản lý không được thì cấm”, mà thay vào đó là các quy định pháp luật phù hợp với cam kết và điều ước quốc tế. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Cần phát triển thêm nhiều hơn nữa thương hiệu quốc gia về ngành gỗ của Việt Nam. Yêu cầu này sẽ là động lực bền vững để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới bằng sản phẩm chính hiệu Việt Nam.

Nhìn lại thành phần tham dự hội nghị với Thủ tướng Chính phủ cho thấy, không chỉ có lãnh đạo các doanh nghiệp chuyên sản xuất chế biến đồ gỗ mà còn có cả lãnh đạo các địa phương. Điều này cho thấy muốn thực hiện được mục tiêu Chính phủ đề ra trong 10 năm tới cần có sự đồng hành, lắng nghe qua lại giữa lãnh đạo các doanh nghiệp với Nhà nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, bảo vệ nền sản xuất trong nước bằng các rào cản hợp lý nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, đúng luật, phòng tránh có hiệu quả hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” hoặc lợi dụng kẽ hở pháp luật để “xuất khẩu rủi ro”.

DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=372
Quay lên trên