9 tháng năm 2022, GDP tăng trưởng, hoạt động sản xuất, xuất khẩu phục hồi đang là yếu tố quan trọng giúp Bình Dương trở thành “bến đỗ” cho nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện doanh nghiệp (DN) FDI đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với một số DN nội địa để mở rộng thêm nguồn cung ứng nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu cho phí, chủ động sản xuất trong điều kiện thế giới bất ổn. Đây được xem là cơ hội để phát triển một nền công nghiệp bền vững cho chính địa phương, đồng thời cũng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định mức độ hấp dẫn của nền công nghiệp Bình Dương đối với dòng vốn FDI.
Hiện nay các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của DN trong nước vẫn còn hạn chế bởi những yêu cầu để tham gia vào chuỗi cung ứng của DN sản xuất đầu cuối rất khắt khe. Một số DN đã mạnh dạn đầu tư nguồn lực, song số lượng vẫn quá ít so với nhu cầu của nền kinh tế hiện nay.
Trước tình hình đó, các DN cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho DN cụ thể nhất. Thêm vào đó, Nhà nước cần ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, vì hiện nay những chính sách đối với ngành công nghiệp hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở cấp độ nghị định, thông tư. Đồng thời, cần có thêm những chính sách ưu đãi cho DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cụ thể như ưu đãi về thuế, ưu đãi tín dụng, hay các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, Nhà nước cần có quỹ đầu tư để phục vụ cho phát triển DN công nghiệp hỗ trợ trong thời gian 5 năm đầu tiên sau khi thành lập DN.
Hiện tại Bình Dương cũng đã có nhiều kiến nghị với Bộ Công thương xin cơ chế chính sách mở để Bình Dương hỗ trợ DN theo thực tế của địa phương. Đồng thời, tỉnh tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế và một số tập đoàn đa quốc gia lớn tăng cường kết nối DN nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.
KHẢI ANH