Thân thiện và lắng nghe hội viên

Cập nhật: 13-09-2012 | 00:00:00

Đó là cách làm “đơn giản mà hiệu quả” của Hội phụ nữ (PN) xã Phú Chánh, Tân Uyên. Dù vẫn còn nhiều điều phải làm cho hội viên PN ở địa phương mình nhưng những gì các chị làm được rất đáng ghi nhận.

Nhiều lần cùng các đoàn từ thiện đi bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo, tôi nhận thấy “sự khó nói” của chủ nhà khi khách hỏi: “Nhà vệ sinh đâu chị?”. Bởi, với số tiền khiêm tốn của một căn nhà tình thương, chi phí cho nhà vệ sinh không được tính tới. Thế nên, vẫn còn cảnh “WC lộ thiên” ở các lô cao su gần nhà. Biết được điều này nên khi nghe chị Nguyễn Thị Tô, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Chánh, Tân Uyên nói, chị vận động những gia đình khó khăn “cam kết” xây nhà vệ sinh khi được xét duyệt nhà tình thương, tôi thật sự đồng tình. 

Ra mắt chi hội công nhân “Sức sống mới” tại Phú Chánh, Tân Uyên

Theo chị Tô, chuyện có cái nhà vệ sinh sạch sẽ, đàng hoàng được chị em rất quan tâm nhưng “cái khó bó cái khôn” nên họ cứ hẹn lần hẹn lửa... để sau hẳn tính. Nhiều PN nghèo tâm sự rằng, họ rất ngại ngùng khi có khách đến chơi mà nhà vệ sinh... hổng giống ai! Thế nên, mỗi khi có hộ do PN làm chủ được cấp tiền xây nhà tình thương, chị Tô thường cho vay thêm 7 - 8 triệu đồng/hộ từ các nguồn vốn vay khác để làm nhà vệ sinh khép kín. Năm nay, các chị Thái Thị Lượm, Thái Thị Yến, Lê Thị Thu Tâm được xây tặng nhà tình thương với định mức 30 triệu đồng/căn được vay thêm 8 triệu đồng để xây nhà vệ sinh. Đây cũng là một trong những chương trình vận động hội viên biết giữ gìn vệ sinh thân thể, giữ vệ sinh môi trường tốt hơn, tránh bệnh tật do vệ sinh không bảo đảm.

Với cách làm việc gần gũi như chị em chòm xóm với nhau, từng trường hợp của các hộ gia đình được chị hiểu rõ ràng, tường tận hơn, từ đó giúp hội viên PN vươn lên. Chị Tô cùng những cán bộ hội PN khác nắm kỹ từng trường hợp khó khăn để giúp đỡ kịp thời. Chị nói: “Toàn xã có 16/35 hộ nghèo là PN làm chủ hộ. Năm nay, khả năng thoát nghèo là 9 hộ. Những hộ còn lại sẽ tiếp tục được chúng tôi xét cho vay từ các nguồn vốn của hội, chị em giúp nhau để thoát nghèo”. Chị cũng nói thêm, hiện Hội PN xã có 260 lượt thành viên vay vốn tổng cộng hơn 2 tỷ đồng để làm kinh tế gia đình.

Đó là với PN nông thôn, còn với chị em công nhân các công ty đóng trên địa bàn cũng được cán bộ PN đến vận động vào chi hội nữ công nhân. Các chi hội này mang tên “Sức sống mới” với nhiều hoạt động như: phát báo (Bình Dương thứ sáu) miễn phí cho thanh niên công nhân; phát tài liệu tuyên truyền về vệ sinh môi trường, an toàn tình dục, sức khỏe sinh sản, phòng chống bệnh dịch... cho công nhân các khu nhà trọ. Thông qua những chi hội trưởng nhiệt tình như chị Lê Thị Bích Ngà, Nguyễn Thị Trung, hoạt động của chi hội nữ công nhân ngày càng hiệu quả, thu hút nhiều chị em tham gia. Hàng tháng, tại nhà của chị Huỳnh Thị Thu Hà, chủ nhà trọ đều đặn diễn ra buổi sinh hoạt của chi hội nữ công nhân. Cũng từ những buổi sinh hoạt này, chị em xa quê được lắng nghe những tâm sự về cuộc sống, về tình cảm... Để rồi, ai có khó khăn gì, sớm được chia sẻ để vượt qua, tiếp tục “hành trình” lập thân, lập nghiệp trên vùng đất mới.

Với cách làm chân tình, gần gũi này, Hội PN xã Phú Chánh ngày càng thu hút nhiều chị em tham gia tổ chức hội. Riêng chị Tô thì: “Giúp được ai điều gì là tôi vui lắm. Thế nên, tôi sẽ theo cách làm này cho đến ngày nghỉ hưu. Miễn sao chị em có cuộc sống thoải mái, phấn khởi hơn là mình thành công rồi”...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên