Chiều qua (21-7), Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự (ĐBQS) tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo văn kiện trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; dự thảo văn kiện trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X và tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu cấp ủy tỉnh.
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm quốc phòng - an ninh
Tại các tổ thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu đều nhất trí với dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Các đại biểu cho rằng, thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực, biển Đông có những diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Xây dựng đô thị và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chú trọng. Các chính sách an sinh xã hội thực hiện khá đồng bộ, kịp thời, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, tham gia kháng chiến... Quốc phòng toàn dân được củng cố; LLVT được xây dựng vững mạnh toàn diện; tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù dịch; tiềm lực quốc phòng được củng cố; công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho LLVT được quan tâm... Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh luôn gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết
cho các văn kiện. Ảnh: T.THẢO
Đóng góp về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, các đại biểu cho rằng, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, tỉnh phải có những giải pháp quyết liệt, thực hiện có hiệu quả 4 chương trình đột phá; có thêm nhiều chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng phát triển dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN), sớm đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực.
Đại biểu Chung Quang Thanh (Đảng bộ Phòng Hậu cần) nêu ý kiến: “Tỉnh nên tập trung đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác phối hợp, hợp tác với các tỉnh, thành lân cận để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ”. Đặc biệt, các đại biểu cũng kiến nghị, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa; trong đó cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ tới.
Đối với lĩnh vực quân sự - quốc phòng, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần tiếp tục chú trọng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về QP-AN, đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc; xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
Trong phần đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các đại biểu đã tập trung thảo luận sôi nổi các nội dung và đưa ra những phân tích, đánh giá sâu sắc. Hầu hết các ý kiến của đại biểu đều cho rằng, văn kiện được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, mang tính khái quát và tổng kết cao. Các đại biểu thống nhất về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011-2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020 và đánh giá quá trình 30 năm đổi mới (1986-2016).
Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, các đại biểu thống nhất ý kiến về những hạn chế, yếu kém vẫn còn tồn tại và đưa ra một số giải pháp. Đại biểu Trần Tuấn Hải (Đảng bộ Phòng Tham mưu), đề xuất: “Nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần có những giải pháp quyết liệt trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Ngoài ra, một số đại biểu cũng cho rằng, nhiệm kỳ tới, cần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái vềtư tưởng chính trị, đạo đức, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phi ́trong cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng đưa ra một số ý kiến như cần có những giải pháp đột phá, tăng cường sự gắn kết hội nhập kinh tế quốc tế với QP-AN, văn hóa xã hội, ngoại giao nhân dân; quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử của dân tộc; tập trung đổi mới có hiệu quả căn bản nền giáo dục phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại; tăng cường đầu tư cho QP-AN nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là chủ quyền biên giới, biển đảo; mở rộng quyền dân chủ; phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc tập hợp quần chúng nhân dân.
Vấn đề mà các đại biểu tập trung góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 là cần có những giải pháp quyết liệt để thực hiện hiệu quả 4 chương trình đột phá; gắn phát triển kinh tế với dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời bảo đảm quốc phòng - an ninh để sớm đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực.
T.THẢO - K.HÀ