Thị trường khoa học công nghệ: Phát triển, nhưng...

Cập nhật: 20-12-2017 | 08:50:16

Đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập cũng như phát triển của doanh nghiệp (DN) để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tại Bình Dương, thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) đã được hình thành và từng bước phát triển. Bên cạnh những thuận lợi, hiện vẫn còn một số bất cập, cụ thể như việc tạo được sự kết nối giữa người bán sản phẩm (cá nhân, tổ chức nghiên cứu) và người mua (DN) còn lẩn quẩn.

 Qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, chuyển giao KHCN giữa các tổ chức, DN, góp phần phát triển thị trường KHCN tỉnh nhà. Trong ảnh: Khách tham quan Triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam 2017 tại Bình Dương. Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Hình thành thị trường KHCN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 29.880 DN trong nước và hơn 3.000 DN đầu tư nước ngoài. Đây được coi là một thị trường tiềm năng cho việc trao đổi, mua bán, chuyển giao KHCN giữa các DN. Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết phát triển thị trường KHCN là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo triển khai thực hiện. Hiện nay, một số đơn vị, DN đã chủ động tham gia tạo lập thị trường KHCN thông qua việc giới thiệu, chào bán các thiết bị công nghệ từ các đề tài, dự án, như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN với mô hình hầm ủ biogas làm nhiên liệu, Công ty TNHH Kỹ nghệ Nhiệt và Môi trường CAXE với sản phẩm lò sấy năng lượng mặt trời…

Bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty CAXE, chia sẻ vượt qua những trở ngại, khó khăn ban đầu, hiện công ty đã triển khai lắp đặt, vận hành lò sấy và chuyển giao công nghệ sấy năng lượng mặt trời cho các DN tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ… và một số DN tại khu vực Đông Nam Á (Lào, Campuchia...) trong lĩnh vực gỗ (xẻ, tẩm, sấy và điều hòa ẩm độ gỗ), sấy dược liệu, sấy hàng thủ công mỹ nghệ (mây, tre, lá), sấy gốm sứ...

Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ (CGCN) của các công ty nước ngoài cho các DN đang hoạt động tại Bình Dương cũng là một trong những yếu tố để hình thành thị trường KHCN của tỉnh. Tính đến nay, Sở KHCN đã xác nhận 24 hợp đồng CGCN từ nước ngoài, trong đó có 18 hợp đồng CGCN thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ, 6 hợp đồng thuộc ngành cơ khí chế tạo và 1 hợp đồng CGCN trong nước. Tiêu biểu như Rohto Pharmaceutical Co.,Ltd chuyển giao cho Công ty TNHH Rohto Việt Nam công nghệ sản xuất thuốc chữa bệnh về mắt và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với giá trị hợp đồng gần 61.000 USD; SV Probe Inc chuyển giao cho Công ty TNHH SV Probe Việt Nam công nghệ sản xuất thẻ dò bán dẫn công nghệ blade với giá trị hợp đồng 850.000 USD…

Sớm tháo gỡ khó khăn

Lãnh đạo Sở KHCN cho rằng mặc dù thị trường KHCN tại Bình Dương đã bước đầu hình thành nhưng chưa phát triển mạnh. Theo đó, sản phẩm của nghiên cứu khoa học có hàm lượng chất xám chưa cao, hạn chế trong việc thương mại hóa sản phẩm; việc gắn kết quả nghiêu cứu, ứng dụng với sản xuất, kinh doanh chưa rộng rãi. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có các tổ chức KHCN như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN… nhưng chưa phát huy hiệu quả, chưa thực sự là điểm đến cho các DN có nhu cầu tư vấn đổi mới, chuyển giao công nghệ.

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KHCN, cũng cho rằng không chỉ Bình Dương, mà các tỉnh, thành khác hoạt động thị trường KHCN cũng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, mối liên kết giữa viện - trường - DN chưa tốt; những nhà cung cấp có ít kinh nghiệm trong việc chào bán các hàng hóa KHCN, có ít thông tin về nhu cầu xã hội, trong khi bên có nhu cầu lại ít thông tin về nguồn cung cấp hàng hóa công nghệ. Do vậy, các đề tài và kết quả nghiên cứu KHCN chưa có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đối với DN KHCN đã có nhưng trên thực tế còn nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục.

Ông Cường cho biết nhằm phát triển thị trường KHCN phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KHCN, DN KHCN phát triển, tỉnh cũng sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách ưu đãi để tăng tiềm lực KHCN trong DN; đẩy mạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường KHCN. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ cũng sẽ được đẩy mạnh thực hiện, nhất là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KHCN, DN, tổ chức trung gian của thị trường KHCN đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; đồng thời tạo điều kiện cho các DN KHCN được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ phát triển KHCN tỉnh. Ngoài ra, để tạo sự kết nối giữa cung - cầu, tỉnh còn triển khai hỗ trợ kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng với các tổ chức KHCN, các DN nhằm đưa ra các sản phẩm, công nghệ phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thúc đẩy ươm tạo công nghệ, thành lập DN KHCN và tổ chức các hội chợ, triển lãm KHCN để tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi, chuyển giao KHCN.

“Từ năm 2016 đến nay, Quỹ phát triển KHCN tỉnh đã cấp phát kinh phí cho các tổ chức, DN thực hiện 27 đề tài, dự án với số tiền hơn 18,7 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho các tổ chức, DN tiếp cận với nguồn vốn, quỹ đang hoàn thiện các văn bản, quy định để sớm triển khai các chức năng tài trợ, hỗ trợ, bảo lãnh vốn vay trong thời gian tới”, ông Cường cho biết thêm. 

HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1072
Quay lên trên