Thị trường nội địa hướng tới mục tiêu 100 tỷ USD

Cập nhật: 11-01-2012 | 00:00:00

Mặc cho nhiều biến động của nền kinh tế thế giới, Bộ Công Thương vẫn dự kiến tổng mức bán lẻ thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD trong năm 2012.

Trong giai đoạn 2011- 2020 dự kiến tăng trưởng 10% bình quân/năm, tỷ trọng lưu chuyển hàng hóa trong nước chiếm khoảng 20% của GDP. Theo Bộ Công Thương, thị trường nội địa không đơn giản chỉ là một phân khúc thị trường mà còn là “hậu phương” vững chắc cho các doanh nghiệp, vì muốn cạnh tranh được trên thương trường quốc tế thì trước hết phải cạnh tranh được trên “sân nhà.”

Thực tế hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Nếu doanh nghiệp trong nước không tự chủ, khó có thể cạnh tranh được với những tập đoàn lớn của nước ngoài.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến hết năm 2011 cả nước vẫn còn 8.591 chợ truyền thống, trong đó 97% các chợ đã thực hiện đúng chức năng phân luồng và hoạt động có hiệu quả. Đối với hệ thống phân phối hiện đại cả nước hiện có khoảng 615 siêu thị, 102 trung tâm thương mại ở 35 tỉnh và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa được lưu thông qua hệ thống thương mại hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 15%-20%, khoảng 80% qua hệ thống chợ truyền thống và các điểm bán lẻ.

  Mua sắm hàng hóa tiêu dùng tại siêu thị BigC, Hà Nội. Tổng mức bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa trên thị trường nội địa trong thời gian qua đã có sự chuyển biến sâu rộng, tăng bình quân 13,9 %. Riêng năm 2011, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ bình quân hàng tháng trên 20% so với năm trước.

Mức lưu chuyển hàng hóa cả năm đạt: 96 tỷ USD (tương đương 1.994 nghìn tỷ đồng) tăng trưởng 29,3%. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng trưởng khoảng 7-8%. Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều bất ổn của thị trường, tốc độ tăng trưởng hàng hóa bán lẻ của thị trường nội địa trong năm qua là tương đối cao, đây là một thành công về phát triển thị trường trong nước.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù có sự cạnh tranh mạnh của các tập đoàn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, song một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang tích cực mở rộng thị trường. Nổi bật là Công ty Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam với hệ thống Vinatex Mart mở rộng được 55 cửa hàng, siêu thị và trung tâm thương mại tại 22 tỉnh thành trong cả nước, chuyên kinh doanh hàng dệt may 100% sản xuất trong nước, mỗi năm tiêu thụ 3,2 vạn mã hàng và 11 triệu sản phẩm.

Các mô hình quản lý chợ cũng đã chuyển biến tích cực, trước kia với mô hình ban quản lý chợ khiến cho việc kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao và cũng chưa tạo được nguồn hàng cho thương nhân trong chợ. Đến nay đã có 395 doanh nghiệp, 180 hợp tác xã quản lý chợ, công tác tổ chức kinh doanh khai thác và tạo nguồn hàng cho chợ truyền thống được thực hiện tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định trong năm 2011, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt qua suy thoái, làm cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất tiêu dùng và tham gia bình ổn thị trường, tích cực đóng góp vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.” Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục như thiếu chiến lược phát triển cho thị trường bán lẻ ở cả 3 cấp độ: Nhà nước, ngành công nghiệp và doanh nghiệp; tính chuyên nghiệp của lực lượng các nhà phân phối bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực thích hợp chưa cao. Bên cạnh đó, đây lại là một kênh phân phối rất phức tạp và được coi là môi trường thuận lợi để gia tăng giá trị của hàng hóa.

Người tiêu dùng chắc chắn ủng hộ mạng lưới phân phối trong nước nhưng với điều kiện là phải phục vụ tốt với giá cả hợp lý chứ không phải với khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" khi nó xấu và đắt - Thứ trưởng Thoa nhấn mạnh.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, phát triển thị trường nội địa khó hơn so với làm thị trường xuất khẩu do tiềm lực tài chính hạn chế, đầu tư 5-7 năm mới thu lại vốn khiến nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp còn hoạt động nhỏ lẻ, chưa tạo được chuỗi liên kết chặt chẽ để phát triển bền vững. Hệ thống phân phối bán buôn trên thị trường chưa rõ nét, chưa xuất hiện nhiều hệ thống phân phối của các doanh nghiệp có tiềm lực lớn mà chủ yếu là chợ trung tâm, cũng như các đại lý của các đơn vị sản xuất và phân phối ngoài tỉnh, hoạt động theo kiểu chợ truyền thống, đặc biệt là nguồn nhân lực thương mại còn non kém.

Chuyển thách thức thành cơ hội

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù các doanh nghiệp trong nước không có tiềm năng lớn về công nghệ nhưng lại rất mạnh về lợi thế am hiểu thị trường nội địa. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể chủ động tổ chức dịch vụ chất lượng cao để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đất nước đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thị trường nông thôn có tiềm năng lớn, thì việc phát triển thương mại nông thôn nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng phát triển, tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hóa trong nước là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tích cực phát triển kinh tế đất nước ổn định và bền vững.

Để phát triển thị trường trong nước, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng doanh nghiệp cần tập trung đào phát triển nguồn nhân lực, cán bộ quản lý và nhân viên trong các chuỗi phân phối, bán lẻ. Đồng thời, làm tốt công tác dự báo thị trường để doanh nghiệp có những thông tin chính xác “ứng biến” cho phù hợp. Cùng đó, bước sang năm mới, chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức lớn như chuyển dịch ngành phân phối - bán lẻ từ quy mô, khái niệm, cấu trúc, hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng.

Không những thế, chúng ta sẽ có một số thay đổi đáng kể như các siêu thị lớn phát triển tới mức cao nhất và chậm dần tại các đô thị lớn. Các hình thức siêu thị nhỏ hơn ngày càng phổ biến và kết hợp. Hệ thống siêu thị tổng hợp và chuyên lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, các trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa chuyên các sản phẩm trung-cao cấp với những phát triển mới sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng.

Song song với những lạc quan của thị trường bán lẻ Việt Nam, các chuyên gia thương mại khuyến cáo việc cẩn trọng vì suy thoái kinh tế vẫn còn đang tác động mạnh và có diễn biến khó lường, nhất là tình hình giá cả tiêu dùng tăng cao sẽ có những tác động không nhỏ tới thị trường bán lẻ. Ngoài ra, thị trường nông thôn là thị trường đầy tiềm năng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và đây là nhược điểm cần nhanh chóng tìm ra cách khai thác hiệu quả vào thị trường này.

Để tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong thời gian tới , các chuyên gia cho rằng nhà bán lẻ cần đáp ứng nhanh đòi hỏi của thị trường bán lẻ năng động và nhiều biến đổi bởi các hình thức bán lẻ hôm nay sẽ còn không phù hợp trong tương lai. Do đó, các nhà bán lẻ cần khắc phục các căn bệnh cố hữu của thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam. Cùng đó, song song với việc mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu thị trường và phục vụ với tính chất tính dịch vụ cao hơn để người tiêu dùng cảm nhận được quan tâm từ các doanh nghiệp nội địa.

Cùng đó, các doanh nghiệp cần có cái nhìn nghiêm túc hơn khi nhìn nhận về thị trường nội địa và liên kết xây dựng thị trường, tiêu thụ sản phẩm của nhau, tạo sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Các siêu thị, hệ thống phân phối hàng hóa cần hết sức chú trọng, ưu tiên đưa các sản phẩm của Việt Nam vào siêu thị và hệ thống bán sỉ, lẻ lớn trong nước và thế giới.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=360
Quay lên trên