Trong các siêu thị, hàng Việt Nam vẫn chiếm ưu thế so với hàng ngoại nhập (Ảnh: TTXVN)
Nếu như những năm trước thực phẩm và may mặc phần lớn là hàng của Trung Quốc, Thái Lan... thì đến thời điểm này hàng Việt Nam đã lấy lại ưu thế trên sân nhà.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, nếu sản phẩm tốt cộng với cách tiếp cận thị trường một cách bài bản, hàng hóa của Việt Nam sẽ giữ được ưu thế cạnh tranh tốt hơn.
Hàng Việt đang lấy lại vị thế
Khảo sát của VietnamPlus tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn hay chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, trong dịp Tết năm nay mặt hàng bánh mứt kẹo, may mặc do Việt Nam sản xuất rất đa dạng.
Cụ thể, trong lĩnh vực bánh kẹo, những tên tuổi như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Thu Hương, Tràng An... gần như lấn lướt so với hàng ngoại nhập.
Trao đổi với VietnamPlus, chị Nguyễn Mỹ Hạnh, chủ cửa hàng bánh mứt kẹo trên đường Phan Đình Phùng cho biết, nếu như vài năm trước người tiêu dùng chỉ biết đến bánh kẹo của Trung Quốc thì hiện nay các sản phẩm được sản xuất trong nước đang chiếm ưu thế.
Nhiều mặt hàng có mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, thậm chí giá thành cũng rất hợp lý nên tạo được sức hút đối với người tiêu dùng.
Chị Hạnh nói, tâm lý người tiêu dùng trong thời gian gần đây đã quan tâm đến hàng Việt Nam nhiều hơn, do vậy các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng mạnh dạn đầu tư cho nhà xưởng, máy móc để sản xuất một cách công nghiệp.
Theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Kinh Đô, tính đến ngày 5/2, sản lượng bánh kẹo Kinh Đô đưa ra thị trường đã vượt 10% so với mức kế hoạch là 5.000 tấn. Dự kiến tổng sản lượng bánh kẹo tiêu thụ trong mùa Tết Ất Mùi 2015 sẽ tăng 15% so với cùng kỳ 2014.
Không chỉ bánh kẹo, dệt may cũng là ngành hàng đang khẳng định vị thế vững chắc trên sân nhà.
Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatext), những năm gần đây, hàng dệt may tiêu thụ nội địa tăng trung bình 10-15%/năm. Riêng năm 2014, tiêu thụ nội địa hàng dệt may đạt 70.000 tỷ đồng, trong đó, doanh thu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị thành viên đạt 22.000 tỷ đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, năm 2014, ngành dệt may đã chú trọng nhiều hơn đến khâu thiết kế thời trang. Rất nhiều thương hiệu mới của dệt may Việt Nam đã ra đời, phục vụ người tiêu dùng trong nước. Điển hình là các sản phẩm của May 10, Việt Tiến, Nhà Bè… đã rất thành công trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.
“Đây là bước đi táo bạo của ngành dệt may, là sự biến đổi cả về lượng và chất, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn đối với sản phẩm dệt may Việt Nam chất lượng cao,” ông Hoàng Vệ Dũng nói.
Đầu tư chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức vào tháng 7/2014, có đến 63% người tiêu dùng đã quan tâm và ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80%; hàng thực phẩm, rau quả có trên 58% người ưa chuộng...
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khi quan tâm và đầu tư một cách bài bản cho sản phẩm thì sẽ vững vàng đi lên.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội chia sẻ, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm được coi là yếu tố tiên quyết tạo nên sự thành công của các doanh nghiệp bán lẻ.
Ông Phú nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế lớn về việc nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, nhưng một yếu tố quan trọng khác là việc phải quan tâm đến các dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm phải đặt lên cao.
Sau 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam, thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hiệu quả lớn nhất cuộc vận động đạt được là thay đổi thói quen mua sắm và sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng.
Nhưng quan trọng hơn, theo thứ trưởng, nhờ việc áp dụng công nghệ mới, chất lượng và mẫu mã của hàng hóa trong nước đã cạnh tranh tốt hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện lớn mạnh hơn, thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ Công Thương luôn chú trọng ưu tiên các nội dung nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam như hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước, kích cầu tiêu dùng nội địa, khai thác tiềm năng hàng hóa, dịch vụ trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo thứ trưởng, trong Quyết định số 634/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, Bộ Công Thương sẽ xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam trên thị trường trong nước, đồng thời tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam.
"Bằng hàng loạt những giải pháp kể trên, có thể kỳ vọng, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam ngày cành mạnh mẽ hơn trong thời gian tới," Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định./.
Theo TTXVN