Nhằm bảo đảm cho các mục tiêu phát triển bền vững, trong những năm qua, Bình Dương cương quyết và kiên định trong việc cân nhắc lựa chọn các dự án đầu tư. Nhờ đó, tỉnh đã dần chọn được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt, tập trung vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường...
Dây chuyền sản xuất của Công ty Omron (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Quyết sách đúng đắn
Năm 1997, tỉnh Bình Dương được tái lập, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng 50,45% - 26,8% - 22,8%. Tuy giá trị công nghiệp chiếm 50,45% trong cơ cấu kinh tế, nhưng lúc bấy giờ giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng, trong khi thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn. Nhưng chỉ sau hơn 20 năm, đến nay Bình Dương đã phát triển vượt bậc, với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập.
Năm 2017, trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo, theo đó công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm có tỷ lệ tương ứng 63,99% - 23,68% - 3,74%- 8,59%. Giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh đạt 786.346 tỷ đồng, tăng 196 lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 83.172 tỷ đồng, tăng 27 lần so với năm 1997. Tăng trưởng GRDP của tỉnh các năm bình quân đạt 14,5%; năm 2017 GRDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng... Đây là những con số ấn tượng, ghi nhận thành quả tuyệt vời trong quá trình vươn lên của Bình Dương từ một địa phương thuần nông, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách phân bổ của Trung ương những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước.
Để bảo đảm phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, kể từ năm 2008, Bình Dương đã có sự cân nhắc, chọn lọc các dự án đăng ký đầu tư theo Quyết định số 58/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ- UBND thay thế cho Quyết định số 58/2008/QĐ-UBND. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bản tỉnh, thay thế cho Quyết định số 49. Theo đó, tỉnh khuyến khích các dự án sản xuất công nghiệp, dự án xây dựng nhà xưởng để cho thuê với mục đích sản xuất công nghiệp; các dự án sản xuất gây ô nhiểm môi trường trong khu dân cư, đô thị di dời vào khu, cụm công nghiệp có ngành nghề và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động của dự án và của doanh nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao chỉ thu hút các ngành nghề đầu tư đúng với danh mục ngành nghề thu hút đầu tư đã được phê duyệt.
Quyết định mới này cũng quy định cụ thể các loại dự án được ưu tiên thu hút đầu tư, các loại dự án được bố trí đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp, danh mục các dự án tạm dừng thu hút đầu tư vào tỉnh.
Luôn cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2017, thu hút đầu tư của tỉnh đạt con số rất ấn tượng: Hơn 45.500 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 52% so với năm 2016; vốn FDI đạt 2 tỷ 705 triệu USD, tăng 75%; vốn FDI giải ngân đạt khoảng 80%. Trong 4 tháng đầu năm 2018, Bình Dương đã thu hút thêm 17.100 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước đăng ký kinh doanh, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm trước và trên 500 triệu USD vốn FDI. Đến nay, toàn tỉnh có 31.778 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 248.900 tỷ đồng và 3.082 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 29,07 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh) về thu hút vốn FDI.
Rõ ràng, việc Bình Dương liên tục lựa chọn cân nhắc các dự án đầu tư mới lẫn đăng ký tăng vốn đầu tư trong thời gian qua không làm cho môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trở nên kém hấp dẫn, khó khăn đối với doanh nghiệp, mà ngược lại, điều này như “một làn gió mát” lan tỏa khắp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Yếu tố này tác động không nhỏ đến kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của tỉnh Bình Dương. Theo đó, Bình Dương nằm tốp cao của cả nước về PCI hàng năm, có những năm đứng hạng nhất, tốp 5 cả nước. Kết quả ấn tượng này cho thấy môi trường đầu tư của Bình Dương hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Kết quả này cũng cho thấy sự đồng thuận, ủng hộ từ phía nhà đầu tư đối với chủ trương, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh, cho rằng việc Bình Dương có sự lựa chọn, cân nhắc trong thu hút nguồn vốn FDI là một quyết sách đúng đắn, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thu hút đầu tư vào Việt Nam. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, động thái này của Bình Dương không những không gây khó khăn cho nhà đầu tư, mà ngược lại còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn lâu dài tại tỉnh theo đúng pháp luật và phùhợp với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội địa phương, với yêu cầu phát triển nhanh nhưng phải bền vững mà nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh mong muốn.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tỉnh cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. “Lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành đã và sẽ luôn trân trọng, lắng nghe những ý kiến góp ý chân thành, trách nhiệm và những tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư để có những giải pháp phùhợp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Liêm nói.
Vốn FDI vào Bình Dương chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn đầu tư xã hội
Vốn FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong những năm bắt đầu thời kỳ đổi mới, khi nguồn vốn đầu tư trong nước còn hạn chế, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành kịp thời đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của địa phương. Từ năm 2012-2016, vốn FDI chiếm 47 - 50% trong cơ cấu vốn đầu tư toàn tỉnh, chứng tỏ vốn FDI đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Vốn FDI cũng có tác dụng tích cực đến cải thiện năng suất và tính cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế nước ta nói chúng, tỉnh Bình Dương nói riêng, nhờ tự do hóa mà các ngành từ trước đến nay đóng cửa với đầu tư nước ngoài, như ngành dịch vụ, tiếp thị, quảng cáo, tư vấn, tài chính, bảo hiểm, cung ứng, phân phối... Vốn FDI còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp.
Thực tế tại Bình Dương những năm qua cho thấy, đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và cho ngành công nghiệp nói riêng. Với gần 82% tổng vốn FDI vào tỉnh thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2011-2016, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh.
KHÁNH VINH