Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Diễn ra ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 – đã bắt đầu sáng 1/12 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình tháng 11 và 11 tháng của năm 2017.
Trong phát biểu định hướng Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Chỉ còn đúng 1 tháng nữa kết thúc 2017, khối lượng công việc còn rất lớn, nhiều việc chúng ta chưa làm tốt, không được chủ quan.”
Từ nhận định đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.
Quốc hội đánh giá cao
Điểm lại tình hình nổi bật của tháng 11, Thủ tướng nêu rõ, sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ năm 2017. Quốc hội cũng đưa ra một số vấn đề bất cập, tồn tại để Chính phủ phấn đấu làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình; nhất là một số nội dung mà Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao. Cũng tại kỳ họp này, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp hoặc tham gia giải trình thêm, được Quốc hội đánh giá cao.
Thành tích tiếp theo, rất đáng ghi nhận là việc các bộ, ngành, địa phương đã tham gia tổ chức thành công sự kiện APEC 2017 với những nỗ lực chuẩn bị trong suốt một năm qua. Nhiều địa phương, bộ, ngành đã tham gia rất tích cực về nội dung; tổ chức tốt các hội nghị SOM trong khuôn khổ APEC; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra. Nhờ đó, đại biểu các nước, các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam đều khen ngợi, đánh giá cao công tác đón tiếp, tổ chức APEC của Việt Nam đợt này. Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục tổng kết, khen thưởng các bộ, ngành, địa phương liên quan đến năm APEC 2017.
Thủ tướng cũng đề cập đến một sự cố thiên tai lớn trong tháng 11 đó là cơn bão số 12, tàn phá hết sức nặng nề 9 tỉnh miền Trung, đặc biệt là Khánh Hòa, Phú Yên. Đáng chú ý, cơn bão đổ bộ trong điều kiện hai tỉnh này hàng chục năm qua không có bão lớn, nhận thức của người dân về phòng, chống lụt bão chưa triệt để. Do đó, mặc dù đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt nhưng do bão có cường độ cao, giật đến cấp 15 nên đã gây ra hậu quả nặng nề về người và tài sản. Riêng Khánh Hòa có 45 người chết, hàng ngàn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; sản xuất công nghiệp, nhà xưởng, vật tư, máy móc bị hư hại, ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể trung ương và các địa phương tiếp tục các hoạt động hỗ trợ chính quyền và nhân dân các tỉnh liên quan khắc phục hậu quả cơn bão số 12 "không để nhân dân bị đói;" sử dụng các nguồn vốn cứu trợ đúng mục đích, địa chỉ; quyết tâm khôi phục sản xuất, trước mắt là vụ Đông Xuân để phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tăng trưởng mạnh mẽ, toàn diện
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2017, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận, tập trung phân tích sâu các bất cập tồn tại và những vấn đề phức tạp để có giải pháp phù hợp, chuẩn bị tốt cho các định hướng nhiệm vụ trong năm 2018.
Thủ tướng nhìn nhận, tháng 11 và 11 tháng qua của năm 2017, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,13%, bình quân 11 tháng tăng 3,14 %. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao với mức 17,2%, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo tăng đến trên 24,3%. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 10,7%. Khách quốc tế tháng 11 đạt 1,17 triệu lượt, nâng tổng số khách đến Việt Nam sau 11 tháng đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%.
Vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,8 tỷ USD, tăng 52%, tổng số vốn đăng ký mới đầu tư mua cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp đạt 33,1 tỷ USD, tăng 23,4%. Vốn FDI thực hiện đạt 16 tỷ USD. Chứng khoán tăng điểm mạnh.
Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng bứt phá đạt con số gần 194 tỷ USD, tăng 21%. Tiêu biểu là những mặt hành chủ lực về nông nghiệp như: Rau quả tăng 43,2%, cao su tăng 38,9%, điều tăng 23,2%, thủy sản tăng 16,2%, gạo tăng 24,2%...Xuất siêu 2,8 tỷ USD - Đây là điều rất đáng mừng, Thủ tướng đánh giá.
Tổng thu ngân sách - vốn là vấn đề thường gây lo ngại thì tháng 11, lĩnh vực này cũng đạt con số ấn tượng tăng 14,2%; tín dụng tăng trưởng tốt; trong đó, việc triển khai bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có nhiều kết quả khả quan.
Thành lập doanh nghiệp mới tăng mạnh với 116 ngàn doanh nghiệp mới sau 11 tháng, năm nay có thể đạt 120 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đều có diễn biến tích cực và được đảm bảo.
Những con số Chính phủ báo cáo Quốc hội trước báo cáo thống kê tại phiên họp lần này cho thấy Chính phủ đã nhận định đúng tình hình những tháng cuối năm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng nhấn mạnh.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Định hướng điều hành
Đề cập đến những khó khăn, tồn tại cần khắc phục, Thủ tướng nhắc đến thực trạng vẫn còn có những người dân lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất” sau cơn bão số 12 và đề nghị các cơ quan, chính quyền địa phương phải khẩn trương quan tâm giúp đỡ.
Một vấn đề tồn tại nữa cần tập trung giải quyết chính là việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm chỉ ở mức gần 63% dự toán, sản xuất kinh doanh ở một bộ phận vẫn còn khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều.
Cùng với đó là nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác như ô nhiễm môi trường nhiều nơi còn nghiêm trọng; vấn đề hàng giả, hàng nhái; trật tự an toàn xã hội một số địa phương còn diễn biến phức tạp.
“Chỉ còn đúng 1 tháng nữa kết thúc 2017, khối lượng công việc còn rất lớn, nhiều việc chúng ta chưa làm tốt, không được chủ quan,” từ nhận định đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong số các nhiệm vụ đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội sức mua hàng hóa, dịch vụ tăng cao vào dịp cuối năm để tăng trưởng.
Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, cần bám sát tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Nghị quyết 01, nhiệm vụ giải pháp kinh tế-xã hội trọng tâm của năm 2018, Thủ tướng chỉ đạo xác định những nhiệm vụ trọng tâm của từng ngành, từng lĩnh vực “không thể có tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái làm năm nay.” Thủ tướng chỉ đạo bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo kết luận của Ban Chấp hành trung ương, kết luận của Tổng Bí thư và Nghị quyết kinh tế-xã hội năm 2018 của Quốc hội để chỉ đạo, điều hành kế hoạch năm 2018 – năm thứ 3 của kế hoạch 5 năm.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về những vấn đề kỷ cương, kỷ luật, những nhiệm vụ trọng tâm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các vấn đề văn hóa, an ninh, quốc phòng để “hình thành khung công việc, hệ thống công việc” cho năm 2018; phải có “định hướng cho từng đồng chí lãnh đạo trong điều hành,” Thủ tướng nói.
Trăn trở trước sự chuyển động chưa đồng bộ của hệ thống chính trị, Thủ tướng tiếp tục nêu vấn đề: cấp Bộ trưởng, lãnh đạo bộ, Chủ tịch, Bí thư thì có chuyển biến tốt, mạnh, nhưng cấp trung gian như Cục, vụ, sở, cấp phòng thì sự chuyển biến và hành động tích cực chưa tương xứng. Thủ tướng nhận xét và lưu ý các bộ, ngành, địa phương khắc phục triệt để vấn đề này.
Theo chương trình, tại phiên họp Chính phủ lần này, Chính phủ sẽ thảo luận báo cáo thẩm tra 4 dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Chính phủ cũng sẽ nghe đề xuất xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành quy hoạch và một số đề xuất xây dựng các Nghị định chuyên ngành của Chính phủ về an sinh, xã hội. Chính phủ cũng sẽ cho ý kiến đối với báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020; Hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và một số định hướng đến năm 2025 và sửa đổi bổ sung Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm…/.
Theo TTXVN