Với nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, huyện Bắc Tân Uyên đã và đang cùng chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm trên địa bàn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Bưởi da xanh của HTX Cây ăn trái Tân Mỹ (xã Tân Mỹ) được liên kết và bao tiêu sản phẩm với hệ thống Siêu thị Co.opmart. Trong ảnh: Xã viên HTX thu hoạch bưởi để cung ứng cho đối tác
Nông dân yên tâm sản xuất
Hơn 10 năm nay, Hợp tác xã (HTX) Cây ăn trái có múi Tân Mỹ (xã Tân Mỹ) liên kết với hệ thống Siêu thị Co.opmart để phân phối trung bình mỗi ngày 1 tấn bưởi. Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX, cho biết: “Nhiều nông dân quanh năm chỉ tập trung sản xuất, chưa dạn dĩ với thị trường, ngại ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị, DN vì sợ không thực hiện tốt được yêu cầu của đối tác về số lượng, chất lượng sản phẩm... Nhờ sự liên kết khi tham gia vào HTX giúp luôn đủ số lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của đối tác. Ngoài ra, có thể chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đi vào thị trường khó tính với số lượng lớn. Hơn 10 năm nay, thị trường đầu ra của HTX luôn ổn định, đời sống của xã viên từ đó cũng được nâng cao, thu nhập trung bình của một xã viên có diện tích vườn nhỏ khoảng 200 triệu đồng/năm, vườn lớn khoảng 1 - 2 tỷ đồng/năm”.
Tương tự HTX Nhân Đức (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm) cũng đã xây dựng hệ thống chăn nuôi theo công nghệ hiện đại (3 trại gà lạnh) và được Công ty TNHH CJ VINA ký hợp đồng dài hạn, giá trị hợp đồng hơn 9 tỷ đồng/năm. Trong lĩnh vực trồng trọt, HTX đầu tư trồng 58 ha cây ăn trái có múi, như: Bưởi, cam, quýt, hiện đang cho thu hoạch 21 ha cam, doanh thu 6 tháng đầu năm của HTX khoảng 7 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng 4 tỷ đồng. Với hoạt động sản xuất hiệu quả, thị trường đầu ra ổn định, HTX đã nâng cao thu nhập cho xã viên, giúp xã viên yên tâm sản xuất.
Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho biết sản phẩm chủ lực của xã hiện nay là nông nghiệp, cụ thể là trái cây có múi và thịt gia súc, gia cầm. Để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, các nhà vườn ký hợp đồng với các chợ đầu mối. Các trang trại chăn nuôi ký hợp đồng nuôi gia công với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP, Công ty Cổ phần Japfa. Các DN có nhiều hình thức đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nếu có sự liên kết bền chặt thì người nông dân sẽ từng bước chủ động sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, các HTX, DN thuận tiện bao tiêu nông sản.
Ông Nguyễn Văn Cơ, xã viên HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân), tâm sự: “Gia đình tôi hiện đang canh tác 3 ha bưởi da xanh, 1 ha chuối sứ theo hướng hữu cơ và 500m2 trồng dưa chuột trong nhà lưới. Là thành viên của HTX tôi yên tâm sản xuất vì được HTX bao tiêu. Ngay cả thời điểm khó khăn nhất do dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nhiều hộ nhỏ lẻ không bán được nhưng gia đình tôi vẫn tiêu thụ hết. Thay vì làm nhỏ lẻ, chúng tôi tập hợp lại tạo uy tín từ mô hình HTX giúp thương lái biết đến nhiều hơn”.
Thu hút doanh nghiệp tham gia
Xác định việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa DN, HTX và người dân là giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút DN bao tiêu sản phẩm trên địa bàn, như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ.
HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Năm Hạng do ông Nguyễn Hữu Hạng đảm nhiệm vai trò Giám đốc HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hữu cơ và tiệm cận hữu cơ với 7 thành viên. HTX luôn bảo đảm bao tiêu cho xã viên nếu như sản xuất đạt chuẩn. Ông Hạng cho biết: “Làm hữu cơ khó nhưng chất lượng luôn bảo đảm, giá luôn ổn định. Tại thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, HTX vẫn tiêu thụ được hàng do đã có mối sẵn là một nông trại xanh. Những mặt hàng HTX xuất đi được gắn nhãn hữu cơ hoặc hướng hữu cơ rõ ràng, minh bạch theo từng loại sản phẩm”.
Ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: “Từ những kết quả ban đầu của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân, DN, HTX đã góp phần tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích nông dân tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh việc liên kết hợp tác sản xuất, hình thành các mô hình HTX, tổ hợp tác để thu hút DN đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp”.
TIẾN HẠNH