Mùa khô năm 2017- 2018, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, UBND các địa phương có rừng, chủ rừng chủ động thực hiện những giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt công tác phối hợp
Cháy rừng là một thảm họa, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội; ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến rừng, đa dạng sinh học và môi trường sống của con người. Hầu hết nguyên nhân cháy rừng là do con người gây ra. Nhận thức được điều đó, mùa khô năm 2017-2018, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, UBND các địa phương có rừng, chủ rừng chủ động thực hiện những giải pháp PCCCR trên địa bàn tỉnh.
Tuần tra bảo vệ rừng tại rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng.
Ảnh: NGUYỄN VĂN TỰU
Theo đó, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13/ CT-TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8-8- 2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; Chỉ thị số 10/ CT-TTg ngày 30-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR; Kế hoạch số 5451/ KH-UBND ngày 1-12-2017 của UBND tỉnh…, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra việc thực hiện PCCCR mùa khô năm 2017- 2018 trên địa bàn tỉnh, xác định và đề ra mục đích, yêu cầu, nội dung thực hiện, đối tượng và địa bàn trọng yếu để kiểm tra thực hiện. Thông qua kết quả kiểm tra nhằm phát hiện những thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác PCCCR để có các biện pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót được kịp thời.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm thực hiện rà soát, bổ sung phương án bảo vệ rừng, PCCCR của các cấp, ngành và chủ rừng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở triển khai thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng và PCCCR; xử lý nghiêm các trường hợp chủ rừng, tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, lơ là không thực hiện và thực hiện không đầy đủ những quy định về PCCCR...
Tích cực thực hiện các giải pháp PCCCR
Đến nay, hầu hết các địa phương có rừng trong tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR; Phó Chủ tịch UBND huyện, thị làm trưởng ban, Hạt trưởng các Hạt Kiểm lâm làm phó trưởng ban thường trực và Trưởng phòng Cảnh sát PCCC làm phó trưởng ban. Đồng thời, các địa phương đã xây dựng phương án và kế hoạch PCCCR trên địa bàn để làm cơ sở triển khai thực hiện. Ban chỉ huy PCCCR của các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng có liên quan như Công an, Cảnh sát PCCC, Dân quân tự vệ và Kiểm lâm địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện PCCCR trên địa bàn theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm và các hạt kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) phù hợp với từng khu vực trọng điểm để chủ động kiểm soát tình hình. Ngành kiểm lâm tỉnh cũng tổ chức lực lượng thường trực, thông tin liên lạc PCCCR 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô; bố trí lực lượng ngăn chặn, nhắc nhở người dân tại các điểm đông người ra vào rừng để cảnh báo với việc sử dụng lửa ở trong rừng và phát hiện cháy rừng nhanh nhất.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR luôn được Chi cục Kiểm lâm, hạt kiểm lâm các địa phương đặc biệt quan tâm. Qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, để mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, tới đây, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất việc bố trí lực lượng trực và phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác PCCCR; kiểm tra công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình PCCCR, việc trang bị mua sắm, sửa chữa, bảo trì các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác PCCCR. Chi cục sẽ thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo kịp thời, định kỳ về diễn biến tình hình cháy rừng đúng theo quy định.
Mục tiêu trong năm 2018, ngành kiểm lâm của tỉnh kiên quyết không để xảy ra vụ việc cháy rừng; nếu có xảy ra cháy rừng phải được phát hiện ngay, chữa cháy kịp thời, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Bình Dương hiện có 9.056,59 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 1.808,85 ha, rừng trồng 7.247,74 ha. Rừng trên địa bàn tỉnh không tập trung, rải rác trên địa bàn 3 huyện là Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên; trong đó rừng tự nhiên tập trung nhiều nhất là rừng phòng hộ núi Cậu - Dầu Tiếng với 1.315,39 ha. Tuy diện tích rừng tại Bình Dương ít nhưng có vai trò quan trọng bảo đảm về an ninh môi trường cho sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương. Do đó, việc bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có của tỉnh là hết sức quan trọng.
TRẦN VĂN NGUYÊN (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương)