Thay mặt Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, tôi xin đóng góp vài ý kiến vào phần “Mục tiêu tổng quát” nêu trong dự thảo báo cáo chính trị Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Trong dự thảo nêu: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa”. Vai trò đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và sẽ luôn thuộc về TP.HCM. Bình Dương trong tương lai nhìn thấy được vẫn sẽ là một đô thị công nghiệp. Quá trình đô thị hóa tại địa phương cần được xác định là để phục vụ tốt hơn cho phát triển công nghiệp và cho đời sống của người dân chứ không nên là “ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa”. Nếu Bình Dương có thể có một hoặc vài ngành công nghiệp cụ thể nào đó phát triển thật mạnh, trở thành những trung tâm của ngành đó ở phạm vi khu vực và toàn cầu, thì đô thị Bình Dương sẽ phát triển mạnh mẽ theo. Chúng ta đã có tín hiệu rất rõ về một ngành như vậy là ngành chế biến gỗ, hiện đã ở tầm thế giới và còn rất nhiều dư địa để phát triển trong vài mươi năm nữa nếu có thêm sự đầu tư về cơ sở đào tạo nhân sự, logistics cho ngành chế biến gỗ... Do đó, tôi đề xuất viết lại đoạn này như sau: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tạo điều kiện cho một vài ngành công nghiệp và dịch vụ có tiềm năng phát triển đủ sức cạnh tranh toàn cầu, từ đó đẩy nhanh quá trình đô thị hóa”.
Trong dự thảo phần “Mục tiêu tổng quát” cũng viết: “Đầu tư nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học và chuyển giao công nghệ sinh học”. Tôi rất băn khoăn về khái niệm “nông nghiệp đô thị” đã được sử dụng rất nhiều trong thời gian qua. Tôi hiểu rằng khái niệm này được dùng để mô tả hoạt động nông nghiệp diễn ra trong lòng đô thị tại Việt Nam. Bình Dương chắc chắn không phải là một đô thị nông nghiệp. Bình Dương vẫn còn rất nhiều vùng nông nghiệp cần được khai thác hiệu quả hơn, bền vững hơn. Và để làm điều đó thì một mình công nghệ sinh học thôi là không đủ và không bao giờ đủ. Để sản xuất nông nghiệp có được mức độ cạnh tranh và hiệu quả thật sự thì trước hết số dân làm trong ngành nông nghiệp phải giảm xuống và đất đai phải được tập trung lại để số ít nông dân còn lại có thể áp dụng được mọi tiến bộ kỹ thuật cần thiết, bao gồm ít nhất là các ngành sinh học, nông học, tự động học, công nghệ thông tin và cơ khí chính xác. Do vậy, tôi đề xuất như sau: “Tạo điều kiện tích lũy đất đai và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để nông nghiệp Bình Dương đạt mức cạnh tranh và hiệu quả ít nhất ngang bằng với các nước trong khu vực ASEAN”.
Khi “Mục tiêu tổng quát” có thể được điều chỉnh như vậy thì đương nhiên các chương trình đột phá và định hướng phát triển sẽ được xây dựng lại cho phù hợp hơn. Là một công dân Bình Dương sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng đất này, tôi thật sự mong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X sẽ tiếp tục tạo ra cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. Tôi cũng mong là ngoài những nội dung đã có trong dự thảo, chúng ta sẽ có những mục tiêu chung hết sức cụ thể và dễ nhớ để cả bộ máy chính trị, quản lý và người dân ghi nhớ và phấn đấu thực hiện được. Chúng ta có thể xây dựng những mục tiêu chung như vậy không chỉ riêng cho nhiệm kỳ này mà còn cho lâu dài. Với suy nghĩ hạn hẹp của mình tôi đề xuất mục tiêu chung sẽ là: “Xây dựng Bình Dương trở thành 1 trong 3 thành phố đáng sống nhất Việt Nam, với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, số người có nhà ở cao nhất và là thành phố an toàn nhất”.
HỒVĂN (ghi)