Bình Dương là địa phương có vị trí kết nối giao thông hết sức quan trọng với các tuyến quốc lộ (QL) huyết mạch như QL13, QL1A và tuyến QL1K từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên đi qua, nối liền với TP.HCM, các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Hàng ngày lưu lượng phương tiện giao thông đi qua các tuyến QL trên là rất lớn (trung bình 560.000 lượt phương tiện/ngày) và con số này đang tiếp tục tăng lên. Ngoài ra, Bình Dương còn có 10 tuyến tỉnh lộ, 381 tuyến đường huyện và 964 tuyến đường chuyên dùng; dân số cơ học trên địa bàn cũng tăng lên không ngừng do lao động từ các địa phương khác về đây làm ăn, sinh sống... do đó, để kéo giảm được tai nạn giao thông (TNGT) là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như người dân tỉnh nhà.
Giảm 3 tiêu chí về TNGT
Gần 3 năm qua (từ năm 2013 đến 2015) qua công tác tuần tra, lập lại trật tự, an toàn giao thông (ATGT) các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện trên 229.700 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 194,99 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải (GTVT) đã lập trên 21.700 biên bản vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, đường thủy, ra quyết định xử phạt 14.170 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 29,665 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn trên 5.600 trường hợp; đình chỉ hoạt động có thời hạn 177 ô tô. Trong công tác tuần tra kiểm soát, Công an tỉnh phát hiện trên 208.040 trường hợp vi phạm, xử phạt 154.261 trường hợp với số tiền 164,434 tỷ đồng...
TNGT trên địa bàn tỉnh 3 năm qua cũng được kéo giảm cả 3 tiêu chí với 7.447 vụ (giảm 1.793 vụ, tương đương 19,4%), chết 906 người (giảm 23 người, tương đương 2,5%), bị thương 9.286 người (giảm 3.040 người, tương đương 24,7%) so với giai đoạn trước đó... Song song đó, tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện; công tác phòng chống đua xe trái phép ngày càng chuyển biến tích cực, tình trạng đua xe trái phép đã được kiểm soát... Điều rất đáng mừng nữa là (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ) có những địa phương những năm gần đây đã giảm TNGT cả 3 tiêu chí so với giai đoạn trước như TP.Thủ Dầu Một...
Lực lượng CSGT tuần tra bảo đảm trật tự, ATGT tại thành phố mới
Theo Ban ATGT TP.Thủ Dầu Một, từ năm 2011 đến tháng 10-2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 4.523 vụ TNGT (giảm 960 vụ, tương đương 17,50%), làm chết 330 người (giảm 87 người, tương đương 20,86%), bị thương 3.643 người (giảm 1.044 người, bằng 22,27%) so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, tình hình ùn tắc giao thông cục bộ đã được cải thiện, góp phần thiết lập trật tự, ATGT trên địa bàn. Công tác thiết lập trật tự đô thị đã được các ngành, các cấp tập trung thực hiện, từng bước làm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố, tình hình vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm hành lang đường bộ và họp chợ trái phép ở các chợ Thủ Dầu Một, Phú Mỹ, Cây Dừa, các tuyến đường Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Khu dân cư Chánh Nghĩa... đã giảm nhiều so với trước...
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Đạt được những kết quả này là nhờ thời gian qua tỉnh đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát tình hình với mục tiêu quyết tâm kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, bảo đảm được trật tự, ATGT để người dân an tâm làm ăn, sinh sống...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đã có bước đột phá, nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức đồng loạt với quy mô toàn tỉnh tạo được dấu ấn và sự quan tâm của xã hội đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Đặc biệt công tác tuyên truyền được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng chức năng quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú nên đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi, người dân ngày càng có ý thức hơn và tích cực góp phần bảo đảm trật tự, ATGT, giữ gìn văn hóa giao thông.
Công tác xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải cũng đã được chú trọng; công tác bảo trì, bảo dưỡng và bảo đảm trật tự, ATGT được thực hiện thường xuyên, từng đơn vị quản lý hạ tầng đã tăng cường nâng cao hiệu quả công tác này nhằm bảo đảm hạ tầng giao thông thông suốt, nhất là trong các đợt cao điểm lễ, tết... Các vị trí có nguy cơ là “điểm đen” TNGT, nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến đường như QL13, đại lộ Bình Dương, QL1K... được rà soát, kiểm tra đánh giá và có hướng xử lý, khắc phục hiệu quả.
Các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông cũng chú trọng đến công tác tổ chức giao thông, rà soát số lượng cọc tiêu, biển báo, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, chiếu sáng... và triển khai vốn bảo trì đường bộ. Hệ thống giao thông đường thủy được quan tâm, nhất là các bến khách ngang sông được chỉnh sửa, bổ sung các thiết bị an toàn cho hành khách qua lại. Các địa phương đã xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên xung kích, có kiến thức và kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, đa dạng hóa nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Nhiều hình thức tuyên truyền trực quan sinh động được thực hiện như trưng bày hình ảnh, tranh cổ động về ATGT, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT... Chất lượng hoạt động của các mô hình tổ nhân dân tự quản ngày càng nâng cao đã góp phần bảo đảm trật tự, ATGT, đường phố sạch đẹp, giải tỏa tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ.
Bên cạnh những việc làm trên, công tác tuần tra, kiểm soát được duy trì thường xuyên, đặc biệt các lực lượng chức năng đã chú trọng và thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề; tiếp tục chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra GTVT; một mặt huy động tối đa các lực lượng khác và công an các xã, phường, thị trấn cùng tham gia công tác bảo đảm trật tự, ATGT... Tiêu chí tham gia công tác phòng ngừa TNGT được xem là một trong những tiêu chí để xét danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự... Từ đó, ý thức của người dân về việc bảo đảm trật tự, ATGT khi tham gia giao thông ngày càng được nâng lên.
Với mục tiêu phấn đấu giảm từ 5% trở lên 3 tiêu chí về TNGT trên địa bàn tỉnh, nhiều giải pháp và biện pháp cụ thể đã được triển khai, tổ chức thực hiện là: Tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh nhằm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” đến tận xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16- 1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Nâng cao hiệu quả hơn nữa về công tác tuyên truyền hướng mạnh về cơ sở, đa dạng về nội dung, hình thức, phù hợp với từng đối tượng, tập trung vào đối tượng công nhân lao động, đối tượng thanh, thiếu niên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội nhân rộng các mô hình tự quản về ATGT đã có hiệu quả như mô hình “Khu dân cư tự quản ATGT”, “Đường phố tự quản”, “Nhóm nòng cốt” tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Bên cạnh đó là mở các đợt cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT theo chuyên đề, phấn đấu thực hiện mục tiêu kiềm chế, làm giảm từ 5 - 10% TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và ngăn chặn tình trạng ùn tắc giao thông. Tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe; tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ sở, trường, trung tâm đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe, công tác cấp giấy phép lái xe bảo đảm khi cấp giấy phép người lái xe phải có đủ kỹ năng chuyên môn, kiến thức pháp luật và đạo đức nghề nghiệp...
Có giải pháp giải quyết các điểm nút giao thông ùn tắc giờ cao điểm như nút giao ngã sáu An Phú, ngã tư 550, nút giao Sóng Thần, nút giao ngã tư Bình Hòa, ngã ba KCN Việt Hương, ngã tư Hòa Lân… gắn với chủ trương cho phép mở rộng, nâng cấp các tuyến đường ĐT743 (đoạn từ miếu Ông Cù đến ngã ba công viên Tân Đông Hiệp) và mở rộng nâng cấp đại lộ Bình Dương; điều chỉnh hướng tuyến vành đai 3 đoạn từ giao lộ Tân Vạn đến giáp đường Tân Vạn - Mỹ Phước; nâng tĩnh không cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai, cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn.
Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nơi nào để TNGT tăng, tình hình trật tự đô thị phức tạp, thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND địa phương đó phải kiểm điểm trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy...
BÌNH MINH