Hiện nay, toàn huyện Bắc Tân Uyên đã có trên 2.000 ha cây ăn trái có múi, chiếm trên 50% diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh. Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm cây ăn trái có múi của huyện, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường và bảo đảm đầu ra ổn định cho sản lượng cây ăn trái là rất cần thiết.
Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi. Trong ảnh: Trang trại trồng cam tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: Q.NHIÊN
Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, trong đó, việc phát triển diện tích cây ăn trái có múi là hướng đi chủ đạo, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Huyện ủy đã xây dựng và triển khai các chương trình hành động để phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi của địa phương. Cụ thể là chương trình về phát triển hạ tầng đồng bộ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, để chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân, hàng năm UBND huyện phối hợp tổ chức từ 15 đến 20 lớp tập huấn, chuyển giao bình quân 3 đến 5 mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ cho bà con nông dân. Ngoài ra, huyện cũng đã phối hợp tổ chức 18 lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và thi cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh. Đến nay, đã có 1.239 giấy xác nhận được cấp và hầu hết các trang trại, nhà vườn lớn trên địa bàn huyện đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, cây ăn trái có múi đã đem lại hiệu quả đáng kể cho người nông dân. Cụ thể, với 1 ha trồng cây cam sẽ cho sản lượng từ 40 - 60 tấn/năm, mang lại thu nhập từ 1 - 1,2 tỷ đồng/năm; 1 ha trồng cây bưởi sẽ cho sản lượng bình quân từ 15 - 20 tấn/năm, mang lại thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm; 1 ha trồng quýt sẽ cho sản lượng từ 40 - 50 tấn/năm, tương đương với thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm.
Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình chính sách để hỗ trợ cho nông dân như chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Quyết định số 04 ngày 17-2- 2016 về hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân. Chính vì thế, trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu phát triển có hiệu quả cây có múi trên địa bàn huyện theo hướng cung cấp hàng hóa bền vững cho thị trường nội địa và xuất khẩu, UBND huyện cần hướng dẫn nông dân thành lập hợp tác xã với mục tiêu hợp tác xã là đầu mối liên kết tất cả các trang trại, tổ hợp tác trong khâu sản xuất và liên kết doanh nghiệp, công ty để tiêu thụ sản phẩm. Đổi mới phương thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng năng suất và bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Hiện nay, diện tích trồng cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện khoảng hơn 2.000 ha, sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt khoảng 2.500 tấn/năm. Quy trình tiêu thụ được thực hiện bằng cách nông dân sau thu hoạch sẽ bán cho người thu gom đến mua tại vườn, sau đó sản phẩm được phân loại rồi mới đến tay người tiêu dùng. Chính vì thế, nông dân vẫn chưa bảo đảm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái và thiếu những thông tin về thị trường tiêu thụ từ đó ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, mở rộng diện tích canh tác cây ăn trái có múi.
Tuy nhiên, theo các chủ trang trại, hộ nông dân nhận định thì bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay các trang trại, nông dân sản xuất cây ăn trái còn gặp nhiều khó khăn, đa phần các hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Ông Trương Minh Tiến, chủ đầu tư chợ đầu mối Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai cho biết, cam sành và bưởi của huyện Bắc Tân Uyên được bán tại chợ đầu mối Dầu Giây được đánh giá về chất lượng là rất tốt. Hy vọng trong thời gian tới, sản lượng tiêu thụ tại chợ sẽ ngày càng tăng cao, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân trồng cây có múi trên địa bàn huyện.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trong thời gian tới, UBND huyện cũng đã có những kiến nghị gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công thương tiếp tục phối hợp các ngành liên quan đẩy nhanh, mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái có múi. Hỗ trợ huyện quảng bá, thông tin, tuyên truyền về nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên trên hệ thống thông tin đại chúng của toàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các đề tài, dự án tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chế độ sử dụng phân bón, thuốc BVTV để hỗ trợ cho nông dân trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, UBND huyện mong muốn các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện kết nối, mở ra hướng đi mới trong việc liên kết để hàng hóa nông sản của địa phương xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối theo phương thức tiêu thụ hiện đại với các hợp đồng dài hạn, ổn định.
QUỲNH NHIÊN