Mong muốn đầu tiên của nhiều lao động trẻ xa quê lập nghiệp là có một công việc ổn định, đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và có chút tích cóp. Đến Bình Dương sinh sống, nhờ được tạo điều kiện an cư lạc nghiệp và hơn nữa là cơ hội học tập đã mang đến cho họ những hy vọng trong tương lai.
Sau giờ tan ca, nhiều công nhân lao động ở Bình Dương tìm đến các lớp học nghề với mong muốn có tương lai tốt hơn
An vui lao động
Buổi chiều tan tầm, bầu trời chuyển mây đen, công nhân ra ca như chúng tôi vội vã nhanh về phòng trọ. Tại một góc nhỏ ở một khu công nghiệp, bên chiếc xe hủ tiếu mì gõ, chị Nguyễn Thị Nhỏ (quê Tiền Giang) thấp thỏm lo âu vì mới dọn hàng bán mà thời tiết lại âm u. Hôm nào trời không mưa thì chị bán nhanh hết, khoảng 21 giờ về phòng trọ, còn nếu trời mưa thì bán chậm hơn. Chị Nhỏ nói: “Mới đó mà tôi xa quê đã được 2 năm rồi. Ngày mới đến Bình Dương tìm việc làm không được, tôi còn lo trước lo sau không biết làm thế nào. Sau đó, tôi nghĩ đến việc bán đồ ăn. Vậy là cái xe hủ tiếu mì gõ gắn bó với đời sống hàng ngày của tôi. Vì đối tượng khách chủ yếu là anh chị em công nhân lao động ở trọ nên tôi bán giá bình dân từ 10.000 - 15.000 đồng/tô. Mặc dù không lời nhiều nhưng có công việc làm ra tiền thì tôi đã vui và ổn định hơn ở dưới quê”. Mỗi tháng, chị Nhỏ trừ chi phí, tiết kiệm cũng còn chút tiền dành dụm để gởi về cho ba mẹ.
Trong khu trọ chị Nhỏ buôn bán cũng có rất nhiều người xa quê chịu khó lao động để sinh sống ổn định. Cách nơi chị Nhỏ bán không xa là một cửa hàng bày bán nhiều lọai trái cây tươi ngon vừa được mở rộng của chị Lê Thị Hà (quê Hải Phòng). Do vị trí cửa hàng thuận lợi nên cửa hàng trái cây của chị Hà cũng đông khách. Chị Hà nói: “Hồi trước bán ở chỗ khác nhưng chật hẹp, không tiện ở và buôn bán nên ế ẩm. Sau đó, vợ chồng tôi tính toán mạnh dạn thuê điểm bán rộng rãi hơn, vừa ở vừa bán nhiều loại trái cây hơn đáp ứng khách hàng. Nay vợ chồng tôi đã an tâm lo buôn bán để có thu nhập”.
Học cho tương lai
Một buổi chiều tan học, ngôi trường dần thưa học sinh. Mấy bạn nhỏ được ba mẹ đón đúng giờ vui vẻ trên tay cầm quà bánh. Một cô bé học sinh lớp 2 còn ngồi ghế đá đợi ba đến chở về. Đôi mắt mong ngóng hướng nhìn ở cửa cổng trường của em chợt ánh lên niềm vui khi thấy ba đến. Trong bộ áo công nhân xây dựng còn lấm lem bụi bẩn công trường, anh như quên hết mệt nhọc khi thấy con gái vui cười…
Những ngày đầu mới xa quê, anh lo cho con ở tuổi bắt đầu học chữ lại theo ba đến nơi đất khách quê người tìm kế sinh nhai. Bản thân anh không được học nhiều, nên đi tìm việc khó khăn, lao động chân tay vất vả. Anh mong muốn con gái sau này sẽ không như anh và có cuộc sống tốt hơn. Kết quả nhập học thuận lợi, con gái đi học, anh rất vui mừng. Hết lớp 1 rồi đến lớp 2, hàng ngày, đi làm về có mệt nhưng anh đều dành thời gian dạy bảo con chăm học để hy vọng một tương lai tươi sáng hơn.
Viết tiếp giấc mơ còn dang dở là câu chuyện của nữ công nhân Đào Thanh Nhàn (quê Hà Giang). Nhàn hiện đang làm công nhân trong một công ty ở TX.Thuận An, học xong lớp 12 cũng không có điều kiện học nghề tiếp nên phải xa quê đi làm công nhân. Nhàn vẫn luôn mong muốn có công việc ổn định để giúp đỡ gia đình và bản thân theo học nghề nghiệp đúng sở thích. Đi làm công nhân được 3 năm, dành dụm được ít tiền, Nhàn mới mạnh dạn nghĩ đến việc đi học trung cấp nghề mầm non vào ban đêm. Có những ngày tan ca về, người mệt mỏi nhưng Nhàn vẫn đi học đầy đủ. Nhàn chia sẻ: “Bản thân mình nhận thấy yêu thích việc học và nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe, không bận bịu việc gia đình thì nên cố gắng học khi có thể. Mỗi ngày đến lớp học có bạn bè cũng vui hơn”.
Mong rằng, với sự nỗ lực, khát vọng sẽ giúp Nhàn và những lao động xa quê như chúng tôi sẽ vượt qua những khó khăn để xây dựng ước mơ trên mảnh đất Bình Dương, vùng đất mà chúng tôi đã coi như quê hương thứ hai này...
NHƯ Ý