Tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Nhu cầu thực tế

Cập nhật: 03-08-2015 | 08:54:14

Nhờ nguồn vốn tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), hàng ngàn gia đình ở Bình Dương có cơ hội đầu tư xây dựng công trình NS, công trình vệ sinh, góp phần giải quyết nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

 Gia đình bà Lê Kim Phượng ở tổ 2, ấp Kiến Điền, xã An Điền, TX.Bến Cát có nước sạch sử dụng ổn định nhờ nguồn vốn chương trình NS VSMTNT. Ảnh: T.HỒNG

 Vui vì có nước sạch

Đến hộ bà Lê Kim Phượng ở tổ 2, ấp Kiến Điền, xã An Điền, TX.Bến Cát, chúng tôi bất ngờ với khuôn viên vườn của gia đình được chăm chút sạch sẽ; nhà vệ sinh, giếng nước, giàn rửa chén cũng được bà sắp xếp khoa học. Bà cho biết năm 2013, gia đình bà được vay 12 triệu đồng từ chương trình NS&VSMTNT để đầu tư khoan giếng sâu hơn, xây dựng thành giếng kiên cố, mua sắm bể chứa nước. Nhờ đó, gia đình bà không còn lo thiếu nước tắm rửa, giặt giũ quần áo hàng ngày.

Hộ anh Trần Ngọc Thuận ở tổ 12, ấp Kiến An, xã An Điền cũng nhờ vay vốn từ chương trình NS&VSMTNT cộng với nguồn kinh phí tự có đã xây dựng được giếng nước sạch cho gia đình từ 6 tháng nay. Anh nói chính sách tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) là một giải pháp rất tốt và phù hợp thực tiễn đời sống người dân. Hàng tháng, cả gốc và lãi chỉ 300.000 đồng, được tính giảm dần theo dư nợ trong vòng 5 năm, nhờ đó gia đình anh không bị áp lực trả nợ hàng tháng.

Theo Ngân hàng CSXH, đến nay tại Bình Dương đã có 201.800 lượt hộ dân và các đối tượng khách hàng khác tại các địa bàn nông thôn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng này. Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng CSXH Bình Dương cho biết với vốn vay 6 triệu đồng/công trình, lãi suất vay vốn thấp, thời gian hoàn trả vốn 60 tháng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hoàn trả nợ vay. Qua kiểm tra cho thấy các hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả nên việc thu hồi nợ trong dân khá thuận lợi. Hiện nợ xấu của chi nhánh chỉ chiếm 0,45% tổng dư nợ.

Cần tăng mức vay

Khó khăn đầu tiên mà người vay gặp phải là mức cho vay 6 triệu đồng/công trình hiện nay không còn phù hợp với chi phí nhân công và nguyên vật liệu. Ông Lê Văn Danh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Kiến Điền, xã An Điền, TX.Bến Cát cho biết nguồn vốn 6 triệu đồng cho một công trình thực tế chưa đáp ứng đủ chi phí. “Mua sắm bồn chứa nước, máy bơm nước đã tiêu tốn hơn 6 triệu đồng, chưa kể xây dựng nhà vệ sinh và các chi phí phát sinh khác. Hiện một số hộ khó khăn xây dựng hoàn toàn bằng vốn vay nên công trình không bảo đảm chất lượng hoặc không dám vay vì không đủ chi phí hoàn thiện công trình. Do vậy, kiến nghị Ngân hàng CSXH nên tăng mức cho vay lên 8 triệu đồng/công trình”, ông Danh nói.

Ngân hàng CSXH Bình Dương cho biết sau 10 năm thực hiện chính sách NS&VSMTNT, tổng dư nợ của chương trình này đạt 440 tỷ đồng. Để người dân tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi và sử dụng vốn đúng mục đích, chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh phổ biến chính sách tín dụng NS&VSMTNT đến tận xóm, ấp. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tín dụng, chi nhánh đã thành lập 88 điểm giao dịch với khách hàng tại trụ sở UBND cấp xã. Mỗi tháng ít nhất một lần, ngân hàng có một ngày giao dịch với khách hàng tại xã nên việc vay vốn và hoàn trả nợ vay rất thuận lợi. Nhờ vậy qua từng năm, tổng dư nợ của chương trình luôn đạt hiệu quả cao.

Một khó khăn khác là việc cho vay đối với nông nghiệp nông thôn của chương trình này chỉ giới hạn trong phạm vi địa bàn hành chính cấp xã, thôn, ấp. Ông Nguyễn Thành Hiệp, cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TX.Bến Cát, nhìn nhận do bị giới hạn quy định đối tượng cho vay đối với địa bàn thị trấn nên từ khi lên phường, khá nhiều bà con thuộc khu vực phường Thới Hòa, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa, Tân Định của TX.Bến Cát không thuộc đối tượng được vay vốn như quy định.

Ông Võ Văn Đức cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của chương trình tín dụng NS&VSMTNT là đối với các hộ dân sinh sống ở khu vực địa bàn phường và thị trấn. Vì theo quy định, hộ dân thuộc các khu vực này không nằm trong diện được vay vốn. Mặc dù nằm trên địa bàn phường, thị trấn nhưng đặc điểm của hộ dân nơi này không sinh sống tập trung tại trung tâm như các địa bàn dân cư đông đúc, chủ yếu sống xa các trạm cung cấp nước sạch hoặc thực tế cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc Chính phủ, Ngân hàng CSXH xem xét nâng mức cho vay vốn từ 6 triệu đồng tăng lên 8 triệu đồng/công trình là cần thiết. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng khu vực thị trấn, phường, thị xã không thuộc địa bàn nông thôn đang là nhu cầu thực tế.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1618
Quay lên trên