Dịch bệnh được kiểm soát tốt, thương mại, dịch vụ từng bước được khôi phục. Mãi lực mua sắm hàng hóa, tiêu dùng có dấu hiệu tăng trở lại, tuy nhiên vẫn chưa thật sự sôi động.
Hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân đang dần ổn định
Khởi sắc
Sau một thời gian vắng vẻ vì dịch bệnh Covid-19, đến nay hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ thương mại tại Bình Dương sôi động trở lại. Tại các siêu thị trên địa đìa bàn tỉnh như Co.op Mart, Big C, Lotte hay Aeon… đều ghi nhận lượt khách tăng dần. Hệ thống siêu thị cũng nhận được các đơn đặt mua hàng qua điện thoại và Zalo dồn dập.
Ước tính của ông Thái Thành Nhân, Trưởng bộ phận thực phẩm tươi sống siêu thị Big C Bình Dương cho thấy, doanh số của hệ thống siêu thị này đã khôi phục tăng trung bình 30% so với thời điểm dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát và cách ly xã hội. Theo ông Nhân, lượt khách đến siêu thị và sức mua đang tăng lên, nhưng chưa trở về mức bình thường nên siêu thị luôn chủ động lượng hàng hóa giá tốt và phối hợp với các nhãn hàng tiến hành khuyến mại, giảm giá để chia sẻ chi tiêu với người tiêu dùng. Song song với việc chuẩn bị tốt mọi mặt tại siêu thị, dịch vụ tiếp nhận đơn hàng qua điện thoại, online đã góp phần giúp doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị tăng 20% so với thời điểm trước khi cách ly toàn xã hội.
Các nhà bán lẻ khác như Aeon mall Bình Dương Canary, Co.op Mart chợ Đình, MM Mega Market, Lotte Mart…, cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Giám đốc Lotte Mart Bình Dương Phạm Phú Hiền, chia sẻ cơ cấu tiêu dùng của người dân từ sau tết đến nay đã thay đổi, tập trung vào nhóm các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Vì vậy, vào các ngày lễ, cuối tuần siêu thị thực hiện khuyến mại, kích cầu, tăng thêm nguồn hàng hóa, tiếp nhận mới các cá nhân tham gia vào hệ thống kinh doanh tại siêu thị. Từ đó, doanh thu đang có sự thay đổi, tăng khoảng 20% so với bình thường.
Với hệ thống kinh doanh phức hợp đa dạng ngành hàng cùng các dịch vụ vui chơi giải trí vẫn luôn hoạt động bình thường và nỗ lực cung cấp các dịch vụ mua sắm tốt nhất, vì vậy lượng khách đến mua sắm phục hồi khá nhanh. Nhân viên marketing Aeon Mall Bình Dương, cho biết kể từ sau dịch đến nay, doanh thu tại siêu thị này chủ yếu tới từ ngành thực phẩm, chất tẩy rửa và một số mặt hàng thiết yếu khác. Các ngành hàng may mặc, thời trang, điện máy lượng bán ra còn chậm nhưng đang trên đà hồi phục.
Đánh giá về sự sụt giảm này, số liệu của Cục Thống kê Bình Dương cho thấy, hoạt động thương mại, dịch vụ trong những tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, trong tháng 5, 6 sức mua trên thị trường có những tín hiệu khởi sắc.
Đẩy mạnh kích cầu thị trường
Hoạt động thương mại, dịch vụ nhộn nhịp trở lại, người dân thoải mái mua sắm là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, sức tiêu dùng của người dân vẫn còn chậm so với bình thường và cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được lãnh đạo các doanh nghiệp bán lẻ cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến người dân cắt giảm mức chi tiêu. Giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm trong đó có thịt heo tăng cao đã ảnh hưởng đến doanh thu, doanh số tiêu thụ của các đơn vị. Điều này cũng thể hiện rõ qua con số thống kê về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
Theo ý kiến các chuyên gia trong ngành thương mại, những con số này là rất đáng lo ngại trong bối cảnh kinh tế hiện nay, bởi sức mua thấp sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Khi sức mua suy yếu, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình hình “sức khỏe” của hệ thống doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, một trong những giải pháp hiện nay là kích cầu thị trường nội địa. Bởi đây là điểm tựa giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất và vượt qua khó khăn. Về lâu dài, sự phát triển của thị trường nội địa sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa Việt một cách mạnh mẽ, có tính cạnh tranh cao, phục vụ tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu.
Đối với ngành bán lẻ, để vực dậy sức mua, các siêu thị, trung tâm thương mại đã triển khai rất nhiều hoạt động kích cầu mua sắm, khuyến mại giảm giá. Đồng thời thu hút khách hàng mua sắm qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua Website, Apps, khuyến mại giảm giá khi thanh toán qua mã QR... Chính sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp doanh nghiệp cải thiện được doanh thu.
Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, những chương trình giảm giá cùng với các giải pháp mua sắm mới đã mang lại cho họ sự lựa chọn phong phú. Sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ đã và đang tạo ra hiệu ứng tốt cho thị trường. Từ đó góp phần nâng cao doanh số, sớm đạt tỷ lệ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 tăng ở mức trung bình 20-25% như các năm qua.
THANH HỒNG