Hơn 5 năm nuôi vợ bại liệt, hàng ngày túc trực bón cho vợ từng thìa cơm, ẵm bồng, chăm sóc, giặt giũ, tắm rửa, vệ sinh cho vợ mà không một lời than vãn... Câu chuyện như trong cổ tích ấy hiện hữu giữa đời thường trong căn nhà nhỏ luôn ngập tràn tình yêu thương của anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1957) và chị Huỳnh Thị Lê (SN 1964), ở khu phố 1, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát...
Anh Nguyễn Văn Sơn và chị Huỳnh Thị Lê lấy nhau từ năm 1983. Vợ chồng chung sống hòa thuận, chăm chỉ lao động để nuôi 4 người con khôn lớn. Năm 2009, một hôm đang bán hàng cùng chồng, chị Lê bỗng lên cơn co giật, người tím tái rồi ngất lịm. Đưa vợ đi cấp cứu, anh Sơn tá hỏa khi bác sĩ cho biết chị Lê bị bệnh tim: Hở van hai lá, thông liên thất, hở tim độ 3. Để có tiền mổ tim cho vợ, anh Sơn vay mượn khắp nơi, bán tất cả những gì gọi là “có giá” trong nhà nhưng bệnh tình của chị vẫn không thuyên giảm... Họa vô đơn chí, tháng 2-2012, chị Lê bị tai biến, lần này, chị liệt toàn thân.
Từ ngày vợ bị bệnh, anh Sơn hết lòng chăm lo, săn sóc cho vợ. Không nề hà đường xa khó nhọc, tốn kém cứ nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là anh đưa chị tới chữa trị, từ bệnh viện lớn trong tỉnh đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM và cả các thầy thuốc Đông y nổi tiếng.
Hơn 5 năm đưa vợ chạy chữa thuốc thang khắp nơi, cũng là chừng ấy năm ẵm bồng, túc trực chăm bẵm vợ mà anh Sơn không một lời than van. Bệnh tật của chị Lê không thuyên giảm, kinh tế kiệt quệ, gia đình xếp vào diện hộ nghèo và sống nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của bà con lối xóm và địa phương. Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Mỹ Phước cũng đã đóng góp xây dựng cho anh chị một căn nhà tình thương và chị Lê được hưởng chế độ tàn tật đặc biệt 85%.
Thương vợ, anh không để vợ nằm một chỗ mà bắt chị phải ngồi xe lăn, tập nâng tay, nâng chân, quay đầu, rồi sáng sáng anh Sơn lại đẩy chiếc xe lăn đưa chị tới chùa để châm cứu. Với sự nhẫn nại giúp đỡ của chồng, sau một năm chị Lê đã nhấc được từng bàn tay, bàn chân lên, biết xoay đầu chào khách hay nói được vài từ: “ăn”, “uống”, “nước”, “lăn”... Anh Sơn tâm sự: “Dù thế nào tôi cũng chưa bao giờ hết hy vọng một ngày nào đó bệnh tình của vợ tôi sẽ khỏi để cùng tôi tiếp tục gồng gánh gia đình và lo cho con cái. Vợ chồng là cái nghĩa trăm năm, đã sống với nhau phải tận tình, hết lòng hết sức. Vợ chồng yêu thương, hòa thuận cũng là tấm gương tốt để con cái xem đó mà noi theo”.
Dường như, dù nghèo khổ, bệnh tật, trong căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Sơn, chị Lê vẫn đang hiện hữu tình yêu thương của nghĩa vợ chồng.
TÂM BÌNH