Tình người ở khoa tâm thần...

Cập nhật: 19-09-2012 | 00:00:00

Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khoa tâm thần với trên dưới 30 bệnh nhân (BN). BN khoa này cách biệt với xung quanh bằng 2 cánh cửa sắt luôn được khóa cẩn thận. Đến với BN, nhân viên y tế ở đây để biết thêm những câu chuyện cảm động về tình người...

Người điên biết nhớ, biết buồn

Không hề nhẹ nhàng như câu hát trong bài Mùa đông của anh “Người điên không biết nhớ và người say không biết buồn”. Họ - những người tâm thần tôi gặp vẫn biết nhớ, biết buồn! Khi cánh cổng sắt cách ly Khoa tâm thần đóng sầm lại, dẫu có nhiều nhân viên đi theo... canh chừng, vẫn nghe lạnh dọc sống lưng. Đó là cảm giác của nhiều người lần đầu đến đây. Bởi sợ bị... cắn, bị đánh. Không sợ sao được khi từ bác sĩ trưởng khoa đến nhân viên điều dưỡng đều từng là nạn nhân của BN ở đây.

Tội nghiệp lắm là những đôi mắt vô hồn, thẫn thờ. Thử hỏi tên, tuổi, có BN nói như thuộc lòng ngày tháng năm sinh, quê quán, người thân. Họ nhớ thắt ruột khi bị người thân bỏ rơi ở cái khoa cách ly này... 

Thơ “Ta là chim” đang được các cô y tá, điều dưỡng thăm hỏi tận tình

Chị Nông Thị Bao, dân tộc Nùng nói: “Em ơi, chị có chồng con đàng hoàng mà. Sao chồng chị đưa vợ vào đây rồi đi thẳng?”. Đôi tay chị bị rung giật liên tục. Đôi chân xanh lè vì xức thuốc ghẻ... Ở đây còn có Nguyễn Thị Thơ, 27 tuổi, luôn ảo tưởng về một mối tình oái oăm! Tại sao em điên? Tôi thử hỏi. “Em yêu ca sĩ... Nguyễn Phi Hùng. Sau đó yêu một ca sĩ khác. Hai anh này đánh ghen với nhau. Một người chết. Em đau khổ quá nên bệnh, điên!”. Nghe mà ứa nước mắt. Trí tưởng tượng của em quả là phong phú... Thơ khoe em biết đọc, biết viết. Em đòi lấy sổ tay của tôi và viết vào đó: “Ba má ơi đừng bỏ con ở bệnh viện nhà thương điên. Tại sao lại bỏ con ở bệnh viện nhà thương điên hoài?”... Chị điều dưỡng kéo tôi đứng lên: “Em nghe nó nói đến mấy ngày chưa xong chuyện tình lâm ly, đẫm máu của nó. Nó từng trổ nóc nhà nhảy xuống, miệng la: Ta là chim, ta bay đây! Chưa kịp... bay nó nằm yên một chỗ đúng 3 tháng vì gãy chân, bị thương khắp người. Y tá chăm mệt đứt hơi với nó. Giờ, nghe nó dọa làm chim là sợ lắm!”.

Tại khu BN nam (lại phải có một cánh cổng cách ly giữa nam và nữ), em Nguyễn Trương Quốc, SN 1993 khóc nức nở:  “Cô ơi, cô nói mẹ vô đón con đi. Con hết bệnh rồi”. Em đang rất buồn, rất nhớ mẹ. Y tá kể; một lần, xin mẹ tiền mua điện thoại không được, em... nổi điên đánh, chửi mẹ. Cộng thêm một vài hành vi không kiểm soát khác, em bị đưa vào đây. Ba em người Trung Quốc, mẹ người Việt. Ba mẹ bỏ nhau. Nghe đâu mẹ đi lấy chồng khác rồi... Lẽ ra, tuổi này, giờ này em đang được đi học, đi chơi cùng bạn bè.

Ở đây, có hình ảnh... dễ thương nữa là BN nhẹ chăm sóc cho BN nặng hơn. Hình như hiểu nhau vì... cùng cảnh nên họ khá ân cần với nhau. Anh Trần Ngọc Long đang chăm cho một người bạn “quậy quá chừng quá xá”. Anh Long điên vì... rượu! Có vợ, 2 con, công việc đàng hoàng nhưng một lần uống rượu xong anh thấy rất nóng, đầu muốn nổ tung và muốn đập phá mọi thứ cho thỏa... cơn điên! Sau quá trình điều trị, bệnh tình anh thuyên giảm và “rất nhớ vợ con, ra viện không uống rượu nữa đâu”. Cũng có BN điên vì... giỏi! Đó là kỹ sư Phan Điện. Cái gì cũng biết, chuyên môn rất rành, công việc ổn định nhưng một ngày... bỗng dưng điên! Hỏi chuyện, anh trả lời theo kiểu “hiểu chết liền!”. Một y sĩ đi cùng tôi nói: “Em phải... giả điên mới nói chuyện với họ được. Chứ em hỏi tỉnh queo thế này họ không nói chuyện gì đâu!”. À, ra thế! Chị còn kể, anh Điện từng ra đứng giữa sân “tuyên bố” về những phát minh vĩ đại của mình, về cách anh sẽ điều khiển được mặt trăng, mặt trời và những vì sao...

Những hy sinh thầm lặng

Và, ở cái nơi buồn vô phương đó, luôn có những bác sĩ, y tá và điều dưỡng tận tình chữa trị cho BN tâm thần. Công việc họ thầm lặng với những hy sinh khó nói hết được.

Bác sĩ Lê Văn Hà, Trưởng khoa tâm thần cười cười kể: “Tôi từng bị BN đánh cho gục tại chỗ luôn. Y tá phải dìu về phòng nghỉ ngơi. Họ bị tâm thần mà, hành vi không kiểm soát. Còn chửi bới à? Như... cơm bữa! Mà tục tĩu lắm nhé. Tất cả chúng tôi động viên nhau, nghe chửi rồi... cười, bỏ qua. Quen rồi”. Theo ông, có nhiều nguyên nhân khiến con người ta điên và cũng có rất nhiều... kiểu điên! Do nội sinh và ngoại sinh, hình ảnh lâm sàng cũng khác nhau. Phần lớn, người bệnh tâm thần ở ngoài cộng đồng, chỉ những người bệnh nặng mới đưa vào điều trị ở bệnh viện. BN bị mất năng lực nhận thức về hành vi. Nhưng, phải đối xử với họ như những BN bình thường, ngoài chăm sóc với thuốc thang theo chuyên môn còn gần gũi, lắng nghe và cảm thông nhiều hơn với họ.

Để làm được điều này đòi hỏi sự hy sinh thầm lặng và rất lớn lao từ người thầy thuốc. Việc phục vụ cho BN tâm thần là lâu dài, khó khăn và vô điều kiện. Nhân viên y tế ở đây phải hy sinh nhiều quyền lợi của bản thân. Khoa tâm thần có 30 giường bệnh, những lúc quá tải lên hơn 40 BN, bình thường trên dưới 30 BN. Ở đây có 12 cán bộ nhân viên trong đó có 4 bác sĩ, 2 y sĩ, 6 y tá trung cấp. Có những người thâm niên như bác sĩ Hà, Điều dưỡng trưởng khoa Phan Thanh Đào, y sĩ điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ... đã gắn bó với với Khoa tâm thần hơn 30 năm nay.

Chị Huệ cho biết: “Để công việc được tốt hơn, chăm sóc BN hiệu quả hơn, chị từng theo học chuyên môn và làm ở Bệnh viện Tâm thần ở Đồng Nai. Vào đây công tác phải chấp nhận sống bằng đồng lương thôi. BN ai cũng nghèo. Đa số bị gia đình bỏ hẳn luôn khi đã vào đến đây. Nhiều gia đình giàu có cũng bỏ mặc con. Họa chăng, họ thuê người đến phụ chăm sóc, tiếp tế thức ăn thêm cho con em họ. Chị coi đây là nghề nghiệp của mình, là một việc thiện nguyện mới có đủ sức lực làm việc tới hôm nay”. Chị còn cho biết thêm, khó khăn là thế nhưng những nhân viên y tế ở đây gắn bó với nhau như người nhà, hết lòng với công việc. Bản thân chị Huệ đã từng được lãnh đạo sắp xếp công việc khác để nhẹ nhàng hơn nhưng chị tình nguyện ở lại.

Chị Đào và chị Mùng cũng chung tinh thần “hy sinh, chăm sóc vô điều kiện” với BN ở đây. Chị Mùng kể: “Có nhiều BN kinh hoàng lắm! Họ lên cơn là la hét, đập phá khủng khiếp. Điểm đặc biệt chung của người điên là... sợ tắm. Thế nên thân hình họ dơ bẩn, ghẻ lở tùm lum. Có khi, 4 - 5 người chúng tôi phải... hè nhau tắm cho một người”. Với chị Đào, làm việc ở đây lấy niềm vui khi nghĩ mình đã làm được việc thiện giúp đời để tự động viên. Công việc gia đình cũng phải sắp xếp ổn thỏa để yên tâm công tác. Với tinh thần tận tụy như thế, các chị còn bảo ban, giúp đỡ những nhân viên trẻ, giúp đàn em không nản khi suốt ngày “xử lý tình huống” với BN tâm thần.

“Ngồi chơi”, chuyện trò cùng BN, nhân viên ở đây đến quá trưa. Lúc chia tay ra về, câu nói của bác sĩ Hà vẫn lẩn quẩn trong đầu: “Nhiều người còn không biết trong Bệnh viện Đa khoa có khoa tâm thần này ấy chứ!”. Vâng, có một góc rất nhỏ mà ở đó, BN vẫn biết buồn, biết nhớ người thân. Các nhân viên y tế vẫn lặng thầm ngày ngày với công việc không mấy dễ dàng của mình... Và hình ảnh theo tôi nữa là ánh mắt thẫn thờ, đôi tay níu kéo nơi song sắt, những BN cố nhoài người ra “chào em nhé” khi tôi đi ngang qua...

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=291
Quay lên trên