Những ai đam mê xe cộ hẳn có không ít băn khoăn trong việc lựa chọn chiếc ôtô đầu tiên cho mình. Trân trọng sẽ gửi đến các bạn một “cẩm nang bỏ túi” với những lưu ý nho nhỏ cho người lần đầu mua xe.
Hãy cùng bắt đầu bằng một câu hỏi khá hóc búa: Chiếc xe nào phù hợp với mình nhất?
Đây có lẽ là câu hỏi lớn nhất nhưng lại bao trùm nhất mọi ý vấn đề xung quanh đến chiếc xe mà bạn định sắm cho mình, bởi khi tìm ra được câu trả lời thấu đáo, bạn đã giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến việc sở hữu một chiếc ôtô, bao gồm: phí trước bạ, trả lãi vay nếu bạn mua trả góp, chi phí bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa và bảo hiểm, chưa kể đến những chi phí phát sinh thường gặp khác, như tiền xăng dầu, phí đậu xe và đặc biệt là những chi phí liên quan đến những quyết định sắp tới của các nhà quản lí giao thông Việt Nam...
Hãy nhớ, những chi phí duy trì chiếc xe cũng quan trọng không kém chi phí để sở hữu chiếc xe.Chiếc xe bạn sẽ mua liệu có uống xăng như... bia? Hãy nghĩ đến quãng đường bạn sẽ đi hàng ngày và chi phí cho việc mua nhiên liệu. Hãy tính đến thực tế giá xăng hiện nay không có vẻ gì là sẽ ngừng tăng, nhất là trong xu hướng “lên thì vội vã mà xuống thì đủng đỉnh”. Liệu bạn có muốn "nhẵn túi" trước cả khi xe hết xăng?
Khi tính toán chi phí cần thiết để sở hữu một chiếc xe, bạn cũng phải tính đến các chi phí sửa chữa và bảo trì xe. Khi bạn đã chọn được hãng xe và loại xe bạn thích, bạn cũng nên tham khảo các đánh giá về độ tin cậy của mẫu xe đó. Có rất nhiều thông tin về các loại hỏng hóc và sửa chữa tương ứng của từng loại xe trên các trang mạng và diễn đàn, cũng như những ý kiến nhận xét và khen chê của người xung quanh đã dùng mẫu xe đó.
Ngay cả những chiếc xe tốt nhất trên thị trường hiện nay cũng cần phải được bảo trì và chăm sóc định kỳ. Có quá nhiều thứ đang đợi bạn để chăm sóc cho chiếc xế yêu của mình định kì: lốp xe, lọc dầu, lọc gió, dầu nhớt… phải được thay đúng thời hạn, đất đá văng trên đường cao tốc có thể làm hỏng kính chắn gió, và nếu không may xe của bạn gặp tai nạn, bạn có thể sẽ phải thay cản xe hoặc đèn pha - hay thậm chí nhiều hơn thế.
Chi phí để thay thế các bộ phận của xe cũng rất đa dạng. Thông thường, phụ tùng và chi phí dành cho các mẫu xe nhập khẩu sẽ đắt tiền và mất nhiều thời gian hơn…
Đừng để bị "say xe" vì số tiền trả góp ngân hàng mỗi tháng!
Những người có đủ “tiềm lực” sẽ sẵn sàng trả đủ tiền khi đến đại lý ký hợp đồng mua xe. Nhưng đa phần khách hàng cần đến một kế hoạch tài chính dài hạn để thanh toán hết tiền mua xe. Khi đó dịch vụ mua xe trả góp sẽ là giải pháp tốt nhất. Đây không phải là điều gì đáng xấu hổ. Đại đa số người dân Mỹ, Tây Âu mua xe, và cả mua nhà theo cách này…
Thông thường, mỗi hãng xe đều có một ngân hàng “ruột” để giới thiệu cho bạn. Ở mỗi một đại lí, nhân viên tư vấn sẽ giúp bạn tính toán thu nhập hàng tháng, các khoản chi tiêu gia đình, trả nợ ngân hàng và tiền ăn, chơi, giải trí khác. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng khoản tiền góp hàng tháng càng ít thì cũng đồng nghĩa với việc thời gian trả dứt nợ càng dài, và những đồng tiền quý giá bạn kiếm được sẽ chạy hết vào phần lãi suất vay. Thêm vào đó, lãi suất cho vay biến động không ngừng. Trong một vài trường hợp nhất định, bạn có thể đề nghị ấn định lãi suất vay (nghĩa là sẽ không có sự điều chỉnh lãi suất vay trong suốt thời hạn của hợp đồng vay). Hãy bàn bạc về khả năng này với đại lý, có thể người tư vấn bán hàng ấy sẽ có những giải thích rõ ràng cho bạn xem phương án này có thể thực hiện được hay không…
Bạn cần phải rất cẩn trọng khi tính toán khoản trả góp hàng tháng mà bạn có thể kham nổi, đặc biệt khi đó là chiếc xe đầu tiên của bạn.
Phải chắc chắn 100% rằng bạn có thể kham nổi khoản trả góp hàng tháng. Nếu không, việc này có thể ảnh hưởng đến đánh giá tín dụng của ngân hàng đối với bạn và khả năng vay mua nhà hoặc mua chiếc xe thứ hai trong tương lai. Nếu bạn bắt đầu trễ hạn góp tiền xe, có thể đại lý bán xe sẽ giúp bạn điều chỉnh lại kế hoạch thanh toán. Nhưng nếu bạn trễ quá nhiều, có thể bạn sẽ mất toàn bộ chiếc xe... và cả số tiền bạn đã đóng tính đến thời điểm đó!
Ngoài các cho phí kể trên, bảo hiểm là một vấn đề bạn cần đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bắt buộc; ngoài ra, các chủ xe có thể chọn các loại bảo hiểm thông dụng khác, như bảo hiểm thân vỏ (vật chất), bảo hiểm mất cắp…
Hiện nay tại Việt Nam, một số hãng bảo hiểm uy tín đang chia phần lớn thị phần bảo hiểm ôtô như Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Dầu khí… tuy nhiên, dù hãng bảo hiểm có lớn đến đâu, bạn cũng phải tìm hiểu kỹ các điểu khoản trong hợp đồng, phần nào được bảo hiểm, phần nào không (trường hợp những xe bị thủy kích tại Hà Nội mấy năm trước không được bảo hiểm dù đã mua bảo hiểm thân vỏ là một ví dụ), thủ tục xin bảo hiểm thế nào, thời gian đền bù là bao lâu…
Những lời khuyên hữu ích
Ông Eric Chou - Phó Chủ Tịch Tài chính thuộc bộ phận Kinh Doanh và Tiếp Thị hãng Ford (Trung Quốc): Nếu bạn quyết định mua một chiếc xe mới theo hình thức trả góp thì thu nhập khả dụng (phần thu nhập còn lại sau khi đã khấu trừ các khoản thuế và phần chi tiêu hàng tháng) phải nhiều hơn gấp đôi số tiền trả nợ vay mua xe hàng tháng.
Ông Keith Watson, Giám đốc chiến lược và hỗ trợ kinh doanh, Ngân hàng Standard: Dù bạn có phát cuồng vì một chiếc xe mới nhất và quyến rũ nhất như thế nào đi nữa thì số tiền bạn mua xe cũng không được lớn hơn giá trị căn nhà của bạn”.
5 lưu ý nhanh khi mua xe
• Luôn kềm chế cảm xúc. Cẩn trọng và không nóng vội - bạn sẽ phải chung sống với quyết định mua xe của mình trong nhiều năm tiếp theo.
• Đảm bảo rằng khoản thanh toán hàng tháng cho việc mua xe không khiến cho bạn và gia đình trở nên quá chật vật.
• Hiểu rõ tất cả các điều khoản trong hợp đồng mua xe, đặc biệt chú ý đến lãi suất cho vay (nếu có).
• Nắm rõ những chi phí sử dụng xe trước khi bạn quyết định mua nó. Đừng quên tính chi phí vận hành xe!
• Tham khảo nhiều nguồn để chọn được gói bảo hiểm tốt nhất.
Theo Dân Trí