Tổng kết thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án 2 cấp: Bình Dương đứng đầu cả nước về tỷ lệ hòa giải thành

Cập nhật: 14-09-2019 | 10:37:20

Ngày 11-9, tại Nghệ An, Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao đã tổ chức tổng kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bình Dương được đánh giá là đơn vị thí điểm mô hình Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp hiệu quả với tỷ lệ hòa giải thành cao nhất trong số 16 tỉnh được chọn thí điểm. Sau tổng kết, Bình Dương là địa phương duy nhất tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình này cho đến tháng 4 năm 2020…


Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND TP.Thủ Dầu Một tham gia một vụ hòa giải ly hôn

Hòa giải, đối thoại thành với tỷ lệ cao

Từ ngày 1-11-2018, 7 Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Bình Dương (gọi tắt là trung tâm) được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Theo quy trình, sau khi tòa án nhận được vụ việc sẽ chuyển đến trung tâm (trừ vụ việc theo quy định không được hòa giải, đối thoại), tất cả những hồ sơ khởi kiện sẽ được phân công cho các hòa giải viên, đối thoại viên để thực hiện hòa giải, đối thoại trong thời hạn quy định.

Tính đến tháng 8-2019, Tổng số đơn khởi kiện TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương nhận được là 7.161 đơn, trong đó có 7.064 đơn cấp huyện và 97 đơn cấp tỉnh. Tổng số đơn các trung tâm đang thụ lý là 4.989 vụ, việc; trong đó cấp huyện là 4.954 đơn, cấp tỉnh là 35 đơn. Tổng số vụ, việc các trung tâm đã giải quyết là 4.600 vụ, việc; trong đó cấp huyện có 4.569 đơn, cấp tỉnh có 31 đơn. Số vụ, việc hòa giải, đối thoại thành là 4.263 vụ, việc; trong đó có 4.247 đơn cấp huyện và 16 đơn cấp tỉnh.


Các thành viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP.Thủ Dầu Một trao đổi kinh nghiệm hàng tuần.
Ảnh: TÂM TRANG

Nhờ có sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo TAND 2 cấp, các trung tâm đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hầu hết các trung tâm đều tích cực trong công tác hòa giải, đối thoại và đạt kết quả cao. Điển hình là trung tâm tại TAND TX.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Dĩ An và TP.Thủ Dầu Một luôn đạt kết quả cao về số lượng vụ, việc thụ lý, giải quyết. Số vụ, việc hòa giải, đối thoại thành cũng như tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành cũng đạt tỷ lệ cao tương tự.

Ông Ngô Văn Minh, Chánh Văn phòng TAND tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh, cho biết: “Từ khi các trung tâm đi vào hoạt động, lãnh đạo TAND tỉnh luôn quan tâm, giám sát hoạt động. Hàng tuần đều yêu cầu báo cáo số vụ, việc và tình hình hoạt động của trung tâm trong cuộc họp giao ban cơ quan; thường xuyên quán triệt chỉ đạo các thẩm phán, thư ký quan tâm đến công tác hòa giải, hỗ trợ và trao đổi nghiệp vụ để các hòa giải viên, đối thoại viên hoàn thành tốt nhiệm vụ”

Giảm tải áp lực cho ngành tòa án

Với từng vụ việc, sau khi nhận được hồ sơ, hòa giải viên, đối thoại viên luôn dành thời gian nghiên cứu để tìm ra phương án hòa giải phù hợp với từng vụ việc; chủ động trao đổi với lãnh đạo trung tâm để tìm ra phương án giải quyết tối ưu đối với những vụ việc phức tạp.

Nhờ sự linh hoạt trong công việc của hòa giải viên, nhiều vụ việc được hòa giải thành, các đương sự sau những buổi hòa giải đã tìm ra tiếng nói chung. Tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh, nhiều vụ tranh chấp dân sự, kinh tế phức tạp, kéo dài giữa các doanh nghiệp nhiều năm liền đã được hòa giải thành. Sau những buổi đối thoại trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, các bên đã tìm thấy sự thống nhất và giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho đôi bên. Từ đó, nguyên đơn cũng tự nguyện rút đơn khởi kiện, không đưa vụ việc ra tòa như dự kiến trước khi được hòa giải. Áp lực thụ lý đơn khởi kiện của TAND hai cấp cũng từ đó mà giảm nhẹ hơn trước.

Điển hình như vụ tranh chấp về hợp đồng góp vốn giữa bà T.T.H. và ông L.H.A. với số tiền là 1,5 tỷ đồng. Do có quen biết, bà H. góp vốn số tiền trên cho ông A. để kinh doanh. Do kinh doanh khó khăn, bà H. muốn rút vốn, ông A. đồng ý và hứa trả số tiền 1,5 tỷ cho bà H. Tuy nhiên, hai năm trôi qua, ông A., vẫn không chịu trả tiền khiến bà H. bức xúc nên nộp đơn khởi kiện yêu cầu ông A trả tiền. Nhờ được hòa giải viên phân tích, giải thích về mặt pháp lý cũng như tạo cơ hội để cả hai trao đổi, trình bày quan điểm của mình trong buổi đối thoại tại trung tâm, kết quả, ông A. đã đồng ý trả số tiền trên cho bà H. trong thời gian thỏa thuận, bà H. cũng rút đơn khởi kiện. Cả hai bên rời khỏi tòa trong sự vui vẻ vì đã hóa giải được mâu thuẫn.

Đã có hàng ngàn vụ tranh chấp, khiếu kiện khác được hòa giải, đối thoại viên hòa giải thành tại các trung tâm, đối thoại thuộc TAND hai cấp của tỉnh. Từ đó, mối quan hệ rạn nứt của đương sự được hàn gắn, mâu thuẫn được giải quyết khi hai bên đều tìm thấy tiếng nói chung.

Bà Nguyễn Ngọc Mai, Phó Chánh án TAND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh, cho biết: “Các vụ án dân sự thường có tính chất phức tạp, kéo dài. Nếu mâu thuẫn, tranh chấp không được giải quyết kịp thời thì quan hệ sẽ trở nên gay gắt hơn. Do đó hòa giải, đối thoại là cách để thu hẹp những bất đồng, củng cố lại mối quan hệ, tháo ngòi căng thẳng và tranh chấp giữa các bên để hai bên tìm thấy tiếng nói chung.

Mặt khác, các trung tâm hoạt động hiệu quả góp phần làm giảm áp lực trong công tác thụ lý, giải quyết tranh chấp, giúp tăng hiệu quả công việc tại tòa án. Thời gian qua, các trung tâm hoạt động có hiệu quả như trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tối cao, Thường trực Tỉnh ủy, sự hỗ trợ kinh phí của HĐND, UBND và sự làm việc nghiêm túc, tích cực của các trung tâm. Đặc biệt, các hòa giải viên, đối thoại viên đã nhanh chóng tiếp thu quy trình, quy định về hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của TAND để nhanh chóng thích nghi với công tác này. Chính nhờ hoạt động thí điểm được tổ chức hiệu quả, thu lại những kết quả đáng tích cực, đem lại lợi ích nhiều mặt nên theo tôi việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế mới về hòa giải, đối thoại tại tòa án là phù hợp”.

Tại hội nghị tổng kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bình Dương được đánh giá là đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất trong 16 tỉnh, thành được chọn thí điểm. Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND TX.Thuận An là 1 trong 5 trung tâm vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 2 hòa giải viên của Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND TX.Thuận An và 2 tập thể là Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND TX.Tân Uyên và TX.Dĩ An đã nhận bằng khen của Chánh án TAND tối cao.

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên