Trải nghiệm từ việc làm thêm

Cập nhật: 20-07-2012 | 00:00:00
Cứ mỗi dịp hè đến, rất nhiều sinh viên (SV) từ các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung học chuyên nghiệp (THCN) trên địa bàn tỉnh lại có dịp làm thêm để trang trải cuộc sống và giúp nhiều bạn SV trưởng thành hơn trong cách nghĩ, cách làm, cách sống.  Đức đang vẽ thư phápTrải lòng sinh viên nghèoQua lời một người bạn giới thiệu, chúng tôi gặp gỡ bạn Nguyễn Hoàng Lâm, SV năm thứ 2, khoa Kinh tế, trường Trung cấp Kinh tế và Công nghệ Đông Nam. Lâm có dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, gương mặt hiện lên vẻ khắc khổ, có vẻ già dặn hơn so với tuổi của mình. Hỏi ra mới biết, Lâm quê ở Trà Vinh, gia cảnh khó khăn, ba mẹ làm nông nên cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Từ khi lên Bình Dương học, ngay từ năm đầu tiên, Lâm đã tự đi làm thêm để trang trải cuộc sống cho mình. Trước đây, Lâm làm trong cửa hàng vật liệu xây dựng, công việc bắt đầu từ 7 giờ đến 17 giờ, xong việc ở cửa hàng là Lâm phải đến lớp học ngay vì lớp học bắt đầu lúc 18 giờ đến 21 giờ. Lâm tâm sự: “Có khi đi làm về mệt lã cả người hoặc công việc quá nhiều em không thể đến lớp. Biết là vậy nhưng em tự kiếm sống để giúp mình và gia đình nên đành chịu!”. Trong quá trình tự bươn chải của mình, Lâm không chỉ bị thiệt thòi so với bạn bè mà nhiều lần còn gặp không ít khó khăn trong quá trình làm thêm. Lâm kể, có lần bị một thanh sắt rơi trúng vào đầu phải nhập viện để chụp citi đầu nhưng rất may lần đó em không gặp nguy hiểm...So với Lâm thì Nguyễn Phương Duy, SV năm 4, khoa Ngoại ngữ, ĐH Bình Dương lại có hoàn cảnh bi đát hơn. Trước đây, khi mới bước vào giảng đường ĐH, Duy được gia đình chu cấp tiền chu đáo. Tuy nhiên, bước sang đầu năm học thứ 3, mẹ Duy đột ngột qua đời do bệnh nặng, để lại cho gia đình một số nợ khổng lồ. Ba Duy đau buồn trước cái chết của mẹ lại lâm bệnh nặng. Từ biến cố của gia đình, chàng thư sinh giờ đây phải cật lực đi làm để tự nuôi bản thân và lo cho gia đình. Không vì thế mà nản lòng, Duy vẫn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để học thật tốt, hiện Duy là lớp trưởng lớp 11AV03. Nói về Duy, anh Lê Ái Phú, Phó Trưởng phòng Công tác SV trường ĐH Bình Dương cho biết, em Nguyễn Phương Duy là một SV ngoan, hiền, học tốt nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hiểu được hoàn cảnh của em, nhà trường đã miễn học phí 2 năm cuối nhằm tạo mọi điều kiện giúp đỡ em tiếp tục con đường học tập, hướng đến một tương lai tốt đẹp.Muốn được trải nghiệmHiện nay, tại các trường ĐH, CĐ, THCN cũng có không ít SV có cuộc sống sung túc nhưng vẫn muốn đi làm thêm để trải nghiệm cuộc sống và học hỏi kinh nghiệm. Chạy vòng quanh các quán ăn, quán cà phê, các siêu thị, shop thời trang ở thành phố Thủ Dầu Một, chúng tôi gặp được rất nhiều bạn SV như thế. Em Đoàn Thị Mỹ Linh, SV năm 3, khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Bình Dương đang bán hàng trong Siêu thị Co.op Mark là một điển hình. Linh tâm sự: “Em đi làm thêm thấy vui lắm chị ạ, được tiếp xúc với nhiều người, được thử sức mình và được cảm giác tự lập không phải xin tiền ba, mẹ nữa, thấy mình đã trưởng thành, cảm giác đó thật là thích”. Linh đã trải qua rất nhiều công việc và mỗi việc Linh đều nhận thấy cái hay của nó, có việc tạo cho bạn tính kiên nhẫn, có việc lại tập tính nhanh nhẹn, có việc đòi hỏi khả năng giao tiếp... “Các bạn SV nếu có thể sắp xếp thời gian thì nên đi làm thêm, vì đây là môi trường rất tốt để các bạn có thể tự mình trải nghiệm cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm để khi ra trường có thể làm việc tốt hơn” - Linh bộc bạch.  Linh đang bán hàng tại siêu thịNguyễn Minh Đức, SV năm thứ 3, khoa Kiến trúc, trường ĐH Bình Dương cũng đi làm để học hỏi kinh nghiệm. Đức từng làm rất nhiều nghề khác nhau như: bán vé số, phụ quán cơm, làm thợ điện. Hiện tại thì Đức thiết kế banner, website, bảng quảng cáo, đặc biệt Đức có năng khiếu về vẽ thư pháp và cũng nhờ việc này mà Đức đã kiếm được rất nhiều tiền trong dịp Tết  Nhâm Thìn vừa qua. Thành quả như thế nhưng có mấy ai biết Đức khởi đầu khó khăn như thế nào, vì không được sự đồng ý của ba mẹ và cũng không có vốn thế là Đức đánh liều đi cầm laptop được 3 triệu đồng, lấy số tiền này em dùng hết để mua nguyên vật liệu rồi bắt đầu thực hiện. Đức cùng bạn bè liên hệ với các nhà sách để bán những tác phẩm của mình. Và kết quả thì ngoài cả sự mong đợi của các bạn ấy.Trao đổi với chúng tôi, nhiều giáo viên phụ trách mảng công tác SV cho biết, các bạn SV có rất nhiều sự lựa chọn cho công việc làm thêm của mình, từ công việc đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc. Thế nhưng, chọn việc làm thêm nên chọn việc có thể giúp ích cho ngành nghề mình đã học, phải vận dụng được kiến thức của mình vào công việc. Và làm việc nhưng vẫn bảo đảm được sức khỏe và giờ giấc lên lớp, có như vậy mới đạt được kết quả tốt. Anh Lê Ái Phú chia sẻ: “Khi các em đi làm thêm thì phải xem xét mục đích của mình là gì? Để kiếm thêm thu nhập hay để trải nghiệm cuộc sống, không nên vì quá ham mê công việc mà ảnh hưởng đến sức khỏe và học hành”. Được biết, trường ĐH Bình Dương luôn tạo điều kiện cho các SV đi làm thêm, những thông tin về việc làm do các doanh nghiệp gửi đến đều được xem xét kỹ càng,  vì nhà trường muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các em có cơ hội được thực tập, có thể áp dụng những kiến thức đã và đang học vào công việc một cách tốt nhất. Anh Phú cho biết thêm, sắp tới đây Trung tâm tư vấn nghề nghiệp SV sẽ đổi tên thành Trung tâm hỗ trợ SV, trung tâm sẽ liên kết với Tỉnh đoàn để tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho các em, đặc biệt vào tháng 9 năm nay tại trường sẽ tổ chức Ngày hội văn hóa đọc và tháng 11 sẽ tổ chức Hội chợ việc làm cho các em SV. Với thông tin trên, các SV có thể an tâm chọn lựa công việc thích hợp với trình độ, sở thích của mình để vừa có thể kiếm thêm thu nhập, vừa được trải nghiệm cuộc sống tuyệt vời này.Ngọc Như
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=12484
Quay lên trên