Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) phát biểu tại Hội trường.
Sáng 31/5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Làm rõ quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả
Đối với quy định về quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) đề nghị dự thảo Luật làm rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tiền và trách nhiệm chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp kiện ra tòa, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nếu có xảy ra.
Về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, đại biểu cho rằng những nội dung hướng dẫn cụ thể các trường hợp ngoại lệ có thể giao quy định chi tiết, đồng thời cũng có thể điều chỉnh linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn, trên cơ sở phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cũng về chủ đề này, Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho biết quy định ngoại lệ nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khoa học, giáo viên, học sinh, sinh viên, các đối tượng khác có nhu cầu nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức được tiếp cận đến các tác phẩm, các sản phẩm có giá trị để tiếp tục khuyến khích sự đổi mới sáng tạo.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trên cơ sở dự thảo Luật vẫn quy định bảo đảm nguyên tắc phép thử ba bước ghi nhận tại nhiều điều ước cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đó, việc sử dụng tác phẩm không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, để thuận lợi cho áp dụng quy định nêu trên trong thực tiễn, đại biểu đề nghị giao Chính phủ có quy định chi tiết với phạm vi phù hợp về các nội dung như thiết bị sao chép công cộng, tự sao chép, sao chép hợp lý một phần tác phẩm và hoạt động công vụ.
Về giới hạn quyền tác giả, đại biểu Vương Quốc Thắng cho biết về cơ bản nội dung này không sửa đổi, bổ sung nhiều so với luật hiện hành mà chỉ chỉnh lý và quy định rõ và nhất quán hơn. Thực tế hiện nay, do đặc thù của các tác phẩm, sản phẩm sáng tạo là duy nhất mang giá trị tinh thần văn hóa nên rất khó xác định giá trị. Nhiều trường hợp các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn hay các đơn vị sử dụng tác phẩm, sản phẩm sáng tạo mà có ý trì hoãn, lẩn tránh thỏa thuận việc trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu.
Để bảo đảm tính khả thi của luật được thực thi trên thực tế, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị bổ sung tại dự thảo Luật hoặc văn bản quy định chi tiết nội dung quy định trường hợp các bên không thỏa thuận được tiền bản quyền trong một thời hạn nhất định thì bên sử dụng phải chấm dứt ngay việc sử dụng tác phẩm, sản phẩm sáng tạo và thanh toán tiền bản quyền theo quy định của Chính phủ.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ ủng hộ việc quy định trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta cũng như phù hợp với Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ cho khuyết tật nhìn.
Người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường mà Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập.
Tuy nhiên, đối với đối tượng là tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ được hưởng ngoại lệ để hỗ trợ thực hiện việc sao chép, phân phối, chuyển đợt, bản sao các tác phẩm dưới định dạng, dễ tiếp cận.
Đại biểu cho rằng để đảm bảo quy định được thực thi có hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền nhằm thu lợi, dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định rõ các tổ chức này là các tổ chức có nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ chuyên biệt liên quan đến đào tạo, giáo dục hoặc nhu cầu đọc, tiếp cận thông tin thích ứng cho người khuyết tật. Ngoài ra, quy định rõ các biện pháp bảo đảm các tổ chức này có trách nhiệm trong thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.
Không thu hẹp đối tượng đối tượng xử phạt vi phạm hành chính
Một điểm đáng chú ý là dự thảo Luật không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (để chuyển sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự như một số ý kiến đề nghị).
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và giữ nguyên như Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng, việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý vì biện pháp xử lý hành chính, thủ tục đơn giản nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Theo đại biểu, việc này không những đảm bảo bảo vệ quyền của chủ sở hữu mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo trật tự quản lý hành chính. Đại biểu cho biết thêm, việc xử lý hành chính cũng không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự nên vẫn đảm bảo được quyền của các bên có tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp xử phạt vi phạm chính đã có những ưu điểm vượt trội so với việc giải quyết thủ tục tố tụng hình sự như trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã phân tích rất rõ.
Theo đại biểu, tại Khoản 2, Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng đã giao cho Chính phủ quy định cụ thể cái hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và thủ tục xử phạt.
Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, quy định như vậy là linh hoạt, kịp thời, nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế sự phát triển của xã hội. Đại biểu cũng đề nghị giữ quy định này như hiện hành./.
Theo TTXVN