Để tiến tới chính quyền số, trong thời gian qua Bình Dương đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan hành chính các cấp; mạng truyền số liệu chuyên dùng đã phủ đến cấp xã; 100% cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ.
Song song đó, phần mềm quản lý văn bản được triển khai, sử dụng rộng rãi trong các cơ quan nhà nước, có chức năng liên thông từ cấp tỉnh tới cấp xã và đã kết nối với trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã phủ đến các xã, có thể thực hiện đồng thời 3 cuộc họp trực tuyến. Các trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại…
Kết quảrõ nét nhất trong việc xây dựng chính quyền điện tử còn được thể hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Theo các báo cáo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử của tỉnh Bình Dương thường xuyên nằm trong top đầu danh sách các tỉnh, thành phố thực hiện việc tích hợp đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tỉnh đang dần cụ thể hóa quyết tâm hoàn thành các mục tiêu xây dựng và phát triển chính quyền điện tử để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng chính quyền số, góp phần xây dựng tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển, thân thiện, văn minh, hiện đại.
SÔNG TRÀ