Triệt phá nhiều vụ làm, tàng trữ, tiêu thụ tiền giả

Cập nhật: 14-04-2020 | 09:14:59

Trước đây, tiền giả lưu hành tại Việt Nam thường được sản xuất ở nước ngoài, sau đó chuyển vào trong nước để tiêu thụ nhằm phá hoại về kinh tế. Những năm gần đây, một số băng nhóm tội phạm đã trang bị máy móc hiện đại, sản xuất tiền giả với mức độ tinh vi, khó phát hiện. Với tinh thần kiên quyết đấu tranh của lực lượng công an cùng sự cảnh giác cao độ của người dân, cơ quan an ninh điều tra Công an Bình Dương đã phát hiện, triệt phá một số đường dây sản xuất và tiêu thụ tiền giả, bắt, truy tố hàng chục đối tượng.


Tang vật liên quan đến một đường dây tiêu thụ tiền giả bị công an tỉnh triệt phá

Thời gian qua, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh liên tục tiếp nhận, thụ lý điều tra các vụ làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả xảy ra trên địa bàn tỉnh. Một số vụ, các đối tượng mua tiền giả trộn lẫn với tiền thật để giao dịch, mua bán nhỏ lẻ, nhưng cũng có vụ các đối tượng sản xuất tiền giả với quy mô khá lớn rồi đem đi tiêu thụ. Nhận định đây là các vụ án sản xuất và tiêu thụ tiền giả nghiêm trọng, có quy mô lớn, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, đồng thời các đối tượng hoạt động rất tinh vi, lãnh đạo Phòng An ninh điều tra đã triển khai kế hoạch, quyết tâm triệt phá.

Thiếu tá Bùi Ngọc Đức, Phó trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh, cho biết từ số lượng tiền giả thu được phát hiện nhiều tờ tiền có cùng mệnh giá và số seri nên nhận định số tiền này do cùng một nhóm đối tượng thực hiện, rồi phát tán ra địa bàn Bình Dương để tiêu thụ. Từ căn cứ đó, ban lãnh đạo Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch và phối hợp với Công an TP.Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Long An để tiến hành truy bắt nhóm đối tượng sản xuất tiền giả này.

Trước đó, tháng 10-2019, sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đã khám xét nơi ở của đối tượng Phạm Quốc Cường (SN 1984, thường trú thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo), thu giữ 53 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Cường khai nhận với cơ quan công an đã mua tổng cộng 40 triệu đồng tiền giả từ một đối tượng tên Đức chưa rõ lai lịch tại khu vực Bến xe Miền Đông, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh về với mục đích tiêu thụ, kiếm lời. Tính đến ngày bị bắt, Cường đã tiêu thụ được 13,5 triệu đồng tiền giả với thủ đoạn như mua thuốc lá, thẻ cào điện thoại rồi lấy lại tiền thừa.

Thiếu tá Bùi Ngọc Đức cho biết thêm: “Phương thức của các đối tượng này là sử dụng tờ tiền có mệnh giá lớn (tờ 500.000 đồng) để mua các vật có giá trị nhỏ để đối lấy tiền thật. Mục tiêu nhắm đến là các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ như buôn bán tạp hóa... gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân”.

Khác với thủ đoạn của Phạm Quốc Cường, để có tiền giả tiêu thụ và bán cho các đối tượng khác, Lê Văn Lợi (SN 1970, ngụ quận 6, TP.Hồ Chí Minh) cùng các đối tượng trong băng nhóm của mình đã mua cả máy móc, thiết bị để in tiền giả. Sau khi in ấn tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, như 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, Lợi cùng đồng bọn đem tiêu thụ tại nhiều nơi. Đến tháng 11-2019, khi đồng bọn của Lợi đang trên đường đi tiêu thụ tiền giả thì bị lực lượng tuần tra Công an phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một kiểm tra, bắt quả tang. Khám xét nơi ở của Lợi và đồng bọn, cơ quan an ninh điều tra thu giữ 135 tờ tiền giả các loại với tổng giá trị 56,3 triệu đồng, nhiều bản in các tờ tiền chưa hoàn chỉnh cùng nhiều loại máy móc như: Máy tính, máy in, máy ép...

Quá trình lấy lời khai ban đầu đối tượng khai báo rất quanh co, che giấu hành vi phạm tội, nơi ở của bản thân và đồng bọn, vì vậy việc mở rộng điều tra, truy bắt đồng bọn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sát của Ban giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Phòng An ninh điều tra và tinh thần quyết tâm đấu tranh trấn áp tội phạm của cán bộ chiến sĩ được phân công tham gia vụ án vừa truy xét, xác minh, điều tra, vừa nghiên cứu, khai thác các thông tin thu thập được từ các dữ liệu điện tử như điện thoại, Zalo, Facebook, thông tin, hình ảnh liên quan đến việc trao đổi mua bán tiền giả để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng. Qua điều tra, cho thấy đối tượng Lợi đứng ra tổ chức và phân công nhiệm vụ cụ thể trong nhóm, tuyệt đối giữ bí mật với người không liên quan.

Thiếu tá Nguyễn Chí Hùng, Phó đội trưởng Đội 2, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh, cho biết đối tượng tham gia hoạt động sản xuất tiền giả có số lượng đông nhất từ trước tới nay. Các đối tượng này có nhân thân, mối quan hệ xã hội rất phức tạp dẫn đến việc điều tra xác minh, truy bắt các đối tượng mất rất nhiều thời gian. Nguy hiểm hơn, các đối tượng này đa số đều có tiền án tiền sự, có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với cơ quan điều tra. Ban đầu, khi làm việc với cơ quan điều tra các đối tượng quanh co, né tránh nhưng với tinh thần quyết tâm và tài liệu chứng cứ thu thập được, tính đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt hầu hết các đối tượng “cầm đầu” có liên quan và khám xét thu hết toàn bộ số vật chứng và phương tiện hoạt động phạm tội.

Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm làm và tiêu thụ tiền giả rất cần sự chung tay của người dân, vì tiền giả dù tinh vi đến đâu cũng chỉ giống về hình thức khi nhìn thoáng qua, không tinh xảo, không đủ các chế độ bảo mật như tiền thật nên dễ nhận biết nếu kiểm tra kỹ. Người dân cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện các giao dịch tiền tệ, với những tờ tiền có mệnh giá lớn cần kiểm tra kỹ, tránh việc bị lừa đảo; khi có nghi ngờ, người dân phải từ chối và báo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

 THÀNH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1045
Quay lên trên