Triệt xóa nhiều đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả

Cập nhật: 22-10-2024 | 09:35:46

Gần đây, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an tỉnh đã phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả với quy mô “khủng”, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự.


Cơ quan Công an thu giữ tang vật trong đường dây sản xuất giấy tờ giả hoạt động ở phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một

Đại úy Trần Võ Trung Sơn, Đội trưởng Đội 3 Phòng PC06 Công an (CA) tỉnh, cho biết qua công tác nghiệp vụ, đơn vị đã phát hiện trên các hội nhóm mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết quảng cáo về cung cấp giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận hạnh kiểm… để làm hồ sơ xin việc, thi bằng lái xe. Đáng chú ý, các tài khoản đăng bài quảng cáo này chủ yếu là “ảo”, hoạt động được một thời gian ngắn là bị xóa. Từ thông tin trên, Phòng PC06 tập trung xác minh thì phát hiện một nhóm đối tượng có tiền án tiền sự nghi vấn hoạt động sản xuất, mua bán giấy tờ giả tại khu vực phường Vĩnh Tân (TP.Tân Uyên), nên tập trung đấu tranh, làm rõ.

Ngày 2-10, Phòng PC06 phối hợp với CA TP.Thủ Dầu Một đồng loạt kiểm tra hành chính tại 2 cơ sở cho thuê trọ ở khu phố 1, phường Phú Tân. Tại nhà trọ không tên ở đường D4, lực lượng CA bắt quả tang đối tượng Lê Thanh Nhuần (sinh năm 1993, quê Quảng Ngãi) và đối tượng Bùi Văn Đức (sinh năm 1990, quê Hòa Bình) đang giao dịch các loại giấy tờ giả; đồng thời thu giữ nhiều tang vật liên quan. Tại nhà trọ trên đường D10, lực lượng CA bắt quả tang Trần Văn Hảo (sinh năm 1996, quê Gia Lai) đang thực hiện hành vi làm giả giấy tờ các loại. Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều loại giấy tờ giả và thiết bị dùng để sản xuất giấy tờ giả.

Tiếp tục mở rộng điều tra, Phòng PC06 phối hợp với CA TP.Thủ Dầu Một tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Trần Văn Hoàn (sinh năm 1993) và Dương Thanh Tùng (sinh năm 1993), cùng quê Gia Lai. Tiến hành kiểm tra nơi ở của các đối tượng, CA thu giữ nhiều tang vật các đối tượng sử dụng để làm giấy tờ, tài liệu giả, gồm: Các thiết bị điện tử, máy in màu, tem, phôi trắng và hàng trăm loại giấy tờ thành phẩm như bằng tốt nghiệp thạc sĩ, đại học, cao đẳng, THPT, thẻ căn cước, giấy khai sinh, các loại chứng chỉ, bản sao chứng chỉ, giấy kết hôn… Làm việc với cơ quan CA, các đối tượng khai nhận đã tạo nhiều tài khoản Zalo, Facebook liên kết với trang Fanpage, hội nhóm kín trên mạng xã hội để nhận làm những giấy tờ giả. Đáng chú ý, các đối tượng thuê hai phòng trọ cách nhau vài trăm mét để thuận lợi cho việc qua lại trao đổi sản xuất, giao dịch giấy tờ giả; đồng thời còn tuyển cộng tác viên để làm nhiệm vụ thu thập thông tin khách hàng. Sau khi làm giấy tờ giả, các đối tượng giao nhận trực tiếp với khách tại địa bàn phường Phú Tân hoặc trực tiếp giao hàng nếu khách yêu cầu.

Trước đó, qua công tác quản lý đối tượng, Phòng PC06 đã triệt xóa đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả do Trần Thanh Phong (sinh năm 1989, quê Đồng Tháp; tạm trú quận 7, TP.Hồ Chí Minh) cầm đầu. Phong bị bắt giữ tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cùng tang vật, gồm: 9 giấy chứng nhận đăng ký xe máy; 14 căn cước công dân; 1 thẻ bảo hiểm y tế; 1 chứng chỉ kỹ thuật viên xoa bóp; 1 bằng cao đẳng dược… Qua làm việc, Phong khai nhận số giấy tờ trên đều là giả và đang đi giao cho khách đặt mua qua mạng xã hội.

Tiếp tục khám xét nơi ở của Phong tại quận 7, TP.Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 1.000 tài liệu, giấy tờ, con dấu giả các loại, gồm: Bằng tốt nghiệp THPT, bằng kỹ sư, tiến sĩ, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn… và nhiều thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ quá trình làm giả các loại tài liệu, giấy tờ. Trong đó có nhiều loại giấy tờ, bằng cấp đã được làm giả hoàn chỉnh, chuẩn bị đi giao cho khách hàng. Đáng chú ý, cơ quan CA cũng thu giữ được rất nhiều căn cước công dân, giấy phép lái xe, cùng phôi dùng để làm căn cước công dân và giấy phép lái xe giả.

“Thời gian tới, cơ quan CA tiếp tục tăng cường phối hợp nhằm chủ động phát hiện, triệt xóa các hoạt động phạm tội liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức… Đồng thời ứng dụng những phần mềm tiện ích của Bộ CA để người dân có thể tự mình kiểm tra thông tin cá nhân và nhận diện được các loại giấy tờ giả nhằm nâng cao việc tố giác các hành vi phạm tội của đối tượng qua phần mềm VNeID”, đại diện Phòng PC06 CA tỉnh cho biết.

Theo cơ quan CA, tội phạm sản xuất, mua bán giấy tờ giả hiện đang diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi và ngày càng khó phát hiện. Thủ đoạn chung của đối tượng là mua thiết bị điện tử, vật liệu, như phôi căn cước, giấy phép lái xe, tem nhãn trên các sàn thương mại điện tử để sản xuất các loại giấy tờ giả theo yêu cầu của khách hàng. Hoạt động mua bán giấy tờ giả thường diễn ra trên không gian mạng và thực hiện giao dịch qua dịch vụ chuyển phát thu hộ tiền. Đáng chú ý, những người đặt mua giấy tờ giả như căn cước, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thường sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hợp đồng giao dịch dân sự. Còn người mua giấy phép lái xe giả nhằm đối phó khi bị kiểm tra hoặc không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông. Những hành vi sử dụng giấy tờ giả đều vi phạm pháp luật, căn cứ vào mức độ vi phạm thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=854
Quay lên trên