Tận dụng diện tích trũng 7.000m2, anh Nguyễn Thành Trung ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên trồng môn (môn nước chấm trắng) để lấy ngó. Mô hình này cho năng suất cao, giá cả ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Anh Trung chọn cây môn giống cho vụ sắp tới Ảnh: Đ.TUÂN
Anh Trung bắt đầu trồng môn lấy ngó từ năm 2004. Với diện tích 1.000m2 anh Trung đầu tư tiền công, giống, phân bón gần 3 triệu đồng. Sau 3 tháng xuống giống, ruộng môn cho anh thu hoạch gần 500kg ngó. Với giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/kg cho các thương lái, chủ yếu đến từ TP.HCM, Đồng Nai, anh có doanh thu hơn 6 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng là môn cho thu hoạch liên tục từ 9 - 12 tháng, tùy theo đất nên cho thu nhập ổn định. “So với các loại cây trồng khác, môn dễ trồng, cách thức chăm sóc cũng đơn giản. Giống môn tự mình có thể ươm, nhân giống nên không tốn tiền mua. Bên cạnh đó, trồng và thu hoạch môn đơn giản nên có thể tận dụng được lao động lớn tuổi, nhỏ tuổi, phụ nữ nhàn rỗi trong gia đình”, anh Trung nói.
Anh Trung chia sẻ kinh nghiệm: Đối với việc trồng môn, ngoài kiến thức cần có đất, thời tiết phù hợp. Môn rất dễ trồng nhưng nếu không biết cách chăm sóc dễ gây chết trắng ruộng môn. Khi phát hiện cây môn bị bệnh cần xử lý ngay để tránh lây lan. Thông thường trước khi trồng, cần làm đất kỹ bằng cách rắc vôi xử lý đất. Trong quá trình môn phát triển nên bón phân, phun thuốc theo chu kỳ; bên cạnh đó thường xuyên quan sát lá, thân môn để kịp thời phát hiện cây thiếu đạm, lân để bổ sung. Sau 1 - 2 năm thu hoạch, cây môn khô dần và không cho ngó nên cần được ươm giống trồng lại.
Thấy cách làm hay của anh nên thời gian qua đã có nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm và áp dụng thành công. Anh Trung cũng dự định tới đây sẽ thay thế hết diện tích trồng sen qua trồng môn nước lấy ngó.
ĐỖ TUÂN