Trường nghề cần đào tạo thêm kỹ năng cho học viên

Cập nhật: 24-11-2017 | 06:01:58

Sau khi học nghề, ai cũng mong muốn có được công việc ổn định, lương cao. Thế nhưng, nhiều học viên, sinh viên chỉ vì thiếu kỹ năng trong phỏng vấn, thử việc, làm việc nhóm… nên không thể xin được việc làm phù hợp, thậm chí nhiều bạn “giấu thân phận” gác tấm bằng để đi làm công nhân!

Thất nghiệp  vì thiếu kỹ năng

Sáng cuối tuần là thời điểm nhiều doanh nghiệp cũng như người lao động, tân kỹ sư, cử nhân đến tìm người - tìm việc. Trong số các bạn đến xin việc, có những ứng viên tham gia phỏng vấn nhưng lại đi tay không, không có hồ sơ xin việc và cách trả lời phỏng vấn không để lại ấn tượng với nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, nhiều bạn đã phải ra về khi không đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng. Bạn Trần Thanh Sang nói: “Tôi rất tự tin với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Tuy nhiên, lúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng không để ý đến bằng cấp mà chỉ hỏi về những vấn đề để tạo nên sự đoàn kết trong công ty, cách hòa giải khi chủ doanh nghiệp và người lao động có mâu thuẫn, cách tổ chức các sự kiện cho công ty... vì tôi đăng ký tuyển dụng vị trí nhân sự công ty. Chưa va chạm, chưa có kinh nghiệm nên các câu trả lời của tôi không đáp ứng yêu cầu này và bị loại...”.

Nhiều học viên, sinh viên thiếu kỹ năng nên khó xin việc. Ảnh: Các bạn sinh viên đi xin việc tay không nên cán bộ nhân sự phải hướng dẫn về làm hồ sơ

Thiếu kỹ năng là cái khó của mỗi sinh viên, học viên ra trường đi xin việc. Nhưng vấn đề này còn nan giải hơn khi các bạn đã được tuyển dụng nhưng do thiếu kỹ năng nên không “trụ” được sau thời gian thử việc. Trường hợp Cao Xuân Quý, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore với tấm bằng loại giỏi, Quý tự tin đi xin việc. Xin được việc làm có mức lương tương đối nhưng không chịu được áp lực môi trường làm việc Quý đành nghỉ ngang. Nghỉ việc ở nhà một thời gian, Quý mới nhận ra do bản thân mình thiếu kỹ năng sống nên tự mình đào thải. “Những sinh viên mới ra trường thường mắc một số hạn chế, đó là thiếu kiên nhẫn, thiếu bình tĩnh, không cẩn thận và ngại học hỏi. Bản thân quá đề cao “cái tôi” của mình với những người lâu năm hơn ở công ty, ít lắng nghe, ngại học hỏi dẫn tới không “trụ” lại được ở doanh nghiệp, thậm chí “nhảy việc” nhiều lần. Và bản thân Quý là một điển hình. Chính vì vậy, ngoài bằng cấp, mỗi sinh viên cần được đào tạo thêm kỹ năng và bản thân trong lúc học tại các trường cao đẳng, đại học cần đi làm thêm để trải nghiệm. Như vậy khi ra trường, làm việc trong môi trường mới sẽ dễ hòa nhập”, Quý bộc bạch.

Bổ sung  thêm kỹ năng

Theo đại diện các doanh nghiệp, khi tuyển dụng nhân sự, họ xem trọng kinh nghiệm và kỹ năng hơn là bằng cấp loại khá giỏi hay xuất sắc. Chính vì điều này nên những sinh viên mới tốt nghiệp dễ bị từ chối cơ hội tuyển dụng. Có doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng lao động chưa có kinh nghiệm nhưng chưa bố trí ngay vào làm việc đúng chuyên môn, lương ban đầu thấp. Chị Hồ Đặng Hồng Thảo, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Sơn Jotun, cho biết: “Ở doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài thường từ 3 - 6 tháng đầu sẽ cơ cấu lại nhân lực và khi đó những ai đã thể hiện được kỹ năng làm việc tốt sẽ được cất nhắc. Bản thân doanh nghiệp cũng cần tuyển dụng được nhân lực đúng vị trí để mang lại giá trị gia tăng tốt nhất. Nhà tuyển dụng đều hiểu, thông cảm với người mới tốt nghiệp chưa thể có kinh nghiệm, nhưng thiếu kỹ năng thì rất khó có thể thông cảm được”.

Bên cạnh việc sinh viên tự rèn luyện kỹ năng cho bản thân, các doanh nghiệp cũng gợi ý, các trường đại học trong chương trình đào tạo hầu hết đều có đào tạo kỹ năng, còn các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề chỉ tập trung dạy kiến thức nên sinh viên, học viên sau khi ra trường thiếu kỹ năng. Do đó, các cơ sở đào tạo nghề, trường nghề ngoài chú trọng dạy kiến thức nên hướng dẫn thêm kỹ năng, trong đó chú trọng các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm thực hành, làm việc nhóm… Đối với ngoại ngữ, trường nghề không nên buông lỏng mà có chương trình đào tạo để các em có thể giao tiếp tốt, nhất là tiếng Anh. Các em sau khi ra trường với vốn ngoại ngữ khá sẽ tự tin trong giao tiếp. Trường nghề cần liên kết để đưa học viên đến các doanh nghiệp thực hành nắm bắt môi trường làm việc, vận hành máy, làm việc nhóm… Có như vậy học viên mới tự tin trong môi trường làm việc mới.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết chương trình đào tạo của các trường nghề còn nặng về lý thuyết mà thiếu thực hành, cũng như thiếu các tình huống thực tế, nên việc chú trọng phát triển kỹ năng mềm để bù đắp, phát triển những thiếu sót của bản thân là vô cùng cần thiết. Nhờ những kỹ năng này sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có lợi thế hơn khi nộp hồ sơ phỏng vấn xin việc cũng như làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Chính vì vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị quản lý nhà nước các trường nghề đã đề nghị ban giám đốc các trường nghề xem xét có chương trình đào tạo để sinh viên vừa vững lý thuyết, giỏi thực hành, đủ kỹ năng sống. Hy vọng, trong thời gian tới, các trường sẽ có chương trình đào tạo hợp lý, phù hợp. Từ đó các trường sẽ tuyển sinh được đông sinh viên, đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho thành phố Bình Dương thông minh, năng động trong tương lai.

TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X