Tự hào chứng kiến Quốc khánh đầu tiên tại tỉnh Thủ Dầu Một

Cập nhật: 25-08-2015 | 06:39:52

Trong căn nhà số 80, đường D1, khu dân cư Phú Hòa I, TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi được nghe ông Huỳnh Bình Minh, nguyên Giám đốc Sở Thương binh - Xã hội (nay là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh kể về ngày lịch sử trọng đại 2-9-1945 được tổ chức tại tỉnh Thủ Dầu Một. Là một người thanh niên tiền phong, ông cảm thấy vô cùng tự hào được chứng kiến buổi lễ Quốc khánh đầu tiên, được hòa mình vào dòng người tham dự mít tinh.

 Mặc dù đã bước qua tuổi 90, nhưng những ký ức ngày 2-9-1945 vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của ông Huỳnh Bình Minh. Ông Minh kể, ngày 19- 8-1945, ông tham gia thanh niên tiền phong xã Phú Hòa (nay là phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một). Là một thanh niên có học thức nên vừa tham gia đội ông được bầu làm Tổng thư ký thanh niên tiền phong xã Phú Hòa, kiêm Tổng thư ký thôn bộ Việt Minh xã Phú Hòa, Tổng thư ký Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Phú Hòa. Trong ngày diễn ra lễ 2-9, ông đã tập hợp thanh niên trong xã xuống đường để cùng dòng người tham dự mít tinh. Vừa đi nhóm thanh niên tiền phong vừa hát vang các ca khúc cách mạng thể hiện tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam trước sự đàn áp của thực dân Pháp.

Dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Huỳnh Bình Minh vẫn miệt mài nghiên cứu lịch sử của tỉnh

Sau khi tham dự mít tinh, mọi người tập trung trước Nhà Việc Phú Cường (đối diện với chợ Thủ). Mọi nguời đến tham dự lễ rất đông, đứng chật khu vực trước sân khấu chính của buổi lễ. Trên sân khấu của buổi lễ có dòng chữ Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Trong buổi lễ, tham dự và đọc diễn văn, tuyên truyền cách mạng có đồng chí Dương Bạch Mai (đại diện Trung ương), đồng chí Nguyễn Văn Tiết (Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một), đồng chí Văn Công Khai (Phó Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một) và những đảng viên ưu tú của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một lúc đó.

Buổi lễ bắt đầu bằng lời giới thiệu của đồng chí Văn Công Khai về thành phần tham dự, công tác tổ chức buổi lễ. Sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã đứng dậy nêu lên tinh thần đấu tranh của nhân dân Thủ Dầu Một để giành lấy độc lập; đồng chí Dương Bạch Mai nói về tình hình chiến sự trong nước, kêu gọi đồng bào Thủ Dầu Một đứng lên cùng nhân dân các tỉnh đánh đuổi giặc, xây dựng đất nước. Theo ông Huỳnh Bình Minh, lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Văn Tiết, đồng chí Dương Bạch Mai đã thôi thúc tinh thần đấu tranh của nhân dân. Trong lúc kêu gọi nhân dân, do số người tham dự đông nên các đồng chí đứng thẳng giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng, sau đó hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”. Các đồng chí vừa dứt lời, phía dưới nhân dân đồng lòng hô vang bằng giọng điệu hào hùng.

Đang kể, ông Huỳnh Bình Minh ngừng lại nhìn xa xăm rồi kể tiếp: “Sau buổi lễ đó, chúng tôi đều ý thức vai trò, trách nhiệm của mình phải vận động thanh niên hết mình cho cách mạng, vận động nhân dân góp công, của cho cách mạng. Chúng tôi đã đi tận nhà, gặp từng người tuyên truyền cách mạng. Đi đến đâu, mọi người chào đón đến đó, chúng tôi còn được người dân giữ lại ăn cơm. Tinh thần đấu tranh anh dũng của thế hệ đi trước cũng đã “ngấm” trong tôi. Do đó, năm 1947, tôi thoát ly theo cách mạng và mang câu chuyện về thời khắc lịch sử đó kể cho đồng đội nghe như lời động viên tinh thần để cùng nhau kháng chiến cho hòa bình”.

Qua câu chuyện ký ức ngày 2-9-1945 được ông Huỳnh Bình Minh kể lại, chúng tôi cảm nhận sâu sắc tinh thần hết mình cho kháng chiến của lớp lớp thanh niên ngày ấy. Học tập tinh thần đó, lớp trẻ Bình Dương cũng đang nỗ lực học tập, lao động để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước đã giành, giữ lấy hòa bình, độc lập.

Ông Hà Văn Thăng, nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, trước đây phòng có tổ chức cuộc tọa đàm để nghe các cô chú lão thành cách mạng kể về 2-9-1945 để bổ sung vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương, sự kiện này chưa được nhắc cụ thể, chi tiết về công tác tổ chức buổi lễ. Do đó, phòng sẽ xem xét lại những ghi chép lịch sử qua lời kể của các nhân chứng để bổ sung, giúp thế hệ mai sau hiểu hơn về lịch sử của tỉnh.

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=715
Quay lên trên