KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP BAN TUYÊN HUẤN THỦ DẦU MỘT (10.5.1949 - 10.5.2019)

Tự hào truyền thống vẻ vang - Bài 1

Cập nhật: 06-05-2019 | 08:10:35
Ngày 10-5-1949 đã trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời của Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một, nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương. 70 năm qua, phát huy truyền thống yêu nước, các thế hệ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, không ngừng nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng.

 Bài 1: Trưởng thành cùng thực tiễn cách mạng

 Luôn ở tuyến đầu

Mặc dù đến ngày 10-5-1949 Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một mới được chính thức thành lập, song trên thực tế, hoạt động tuyên truyền, cổ động cách mạng đã được tiến hành xuyên suốt quá trình thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên rồi đến vận động thành lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một sau này.

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trước năm 1930, qua hoạt động tuyên truyền cổ động cách mạng của các đảng viên An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng, hai chi bộ cộng sản Phú Riềng và Đề pô xe lửa Dĩ An đã lần lượt ra đời. Sau khi ra đời, đảng viên của hai chi bộ đã tích cực tuyên truyền vận động cách mạng trong công nhân lao động. Kết quả của hoạt động tuyên truyền vận động cách mạng là các cuộc đình công của công nhân liên tiếp nổ ra nhằm đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ làm cho giới chủ lúc bấy giờ bất ngờ và lúng túng. Tiếp sau hai chi bộ đầu tiên của tỉnh ra đời, tổ chức Đông Dương cộng sản liên đoàn và các đảng viên thuộc tổ chức An Nam Cộng sản Đảng ở Sài Gòn - Gia Định đã tiến hành tuyên truyền trong các thanh niên yêu nước ở xã Bình Nhâm (Lái Thiêu). Bằng các biện pháp thích hợp, vừa vận động tuyên truyền cách mạng vừa kín đáo phổ biến các sách báo tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, các đảng viên cộng sản thuộc hai tổ chức tiền thân của Đảng đã giác ngộ được một số thanh niên yêu nước trong vùng. Đó là các thanh niên tiêu biểu như Hồ Văn Cống, Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn Văn Lộng, Đinh Văn Sáng và thầy thuốc Ba Phèn. Những hạt nhân cộng sản này tiếp tục được bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và phương pháp đấu tranh, từng bước trưởng thành qua thực tế cách mạng địa phương. Sáu tháng kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chi bộ cộng sản Bình Nhâm đã được thành lập (8-1930). Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng của hoạt động tuyên truyền cách mạng trong những ngày đầu thành lập Đảng ở Thủ Dầu Một.

 Hoạt động tuyên giáo của Đảng bộ Bình Dương được tiến hành xuyên suốt từ trước khi thành lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Trong ảnh: Đền Bình Nhâm, nơi thành lập một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh. Ả h: QUỐC CHIẾN

Hoạt động tuyên truyền cách mạng trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh sau khi các chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời. Các đảng viên đã tích cực tuyên truyền vận động cách mạng trong quần chúng nhân dân, nhất là trong nông dân và thợ thủ công các lò đường, lò chén ở Lái Thiêu, Tân Khánh, Bình Nhâm… Phương pháp chủ yếu là tuyên truyền miệng và bí mật truyền bá các sách báo cách mạng. Kết quả quan trọng nhất của hoạt động tuyên truyền lúc bấy giờ đó là đã giác ngộ nhiều quần chúng đứng vào tổ chức Đảng, từ đó hình thành nhiều chi bộ cộng sản ở các làng An Sơn, An Thạnh, Tân Khánh… Đây là vốn quý và là những hạt nhân để tiến hành thành lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (lâm thời) vào đầu năm 1936. Sau một năm hoạt động tích cực, đến tháng 1-1937, Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một được cấp trên công nhận là Tỉnh ủy chính thức. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hoạt động tuyên truyền cách mạng của Đảng bộ có sự chuyển biến rõ rệt. Hoạt động tuyên truyền của Đảng ở Thủ Dầu Một đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá trong công tác vận động quần chúng và tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cách mạng, cả trong điều kiện công khai, hợp pháp và bí mật.

Tuyên truyền vận động kháng chiến

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức. Vận mệnh của đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc” khi phía Bắc 20 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa quân đồng minh và theo gót là lực lượng phản động Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội ồ ạt kéo vào nước ta. Ở miền Nam, cũng với danh nghĩa quân đồng minh, quân Anh vào giải giáp quân Nhật, núp sau quân Anh là quân Pháp âm mưu chiếm nước ta một lần nữa. Nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là đoàn kết toàn dân bảo vệ chính quyền cách mạnh non trẻ, chống thù trong giặc ngoài, góp phần đưa cách mạng tiến lên.

Đầu năm 1949, thực dân Pháp tiếp tục đẩy mạnh bình định ở Thủ Dầu Một. Chúng phát triển hệ thống đồn bốt, tháp canh và tiến hành càn quét vào vùng căn cứ. Dựa vào tình hình của Đảng bộ lúc bấy giờ và yêu cầu mới của công tác xây dựng Đảng, cuối tháng 4-1949, Xứ ủy Nam bộ ra chỉ thị cho các tỉnh chọn cán bộ để thành lập các ban chuyên môn của Tỉnh ủy, gồm: Ban Văn thư, Ban Tuyên huấn và Ban Tài chính. Các ban chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy. Ngày 10-5-1949 , thay mặt Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Duy Hanh ký quyết định thành lập 3 ban và chỉ định cán bộ phụ trách các ban. Đồng chí Tiêu Như Thủy, nguyên Trưởng chi văn hóa kháng chiến tỉnh Thủ Dầu Một làm Trưởng ban Tuyên huấn.

Sau khi được thành lập, mặc dù có rất ít cán bộ (2 đồng chí) và chưa có tài liệu học tập thống nhất cho cán bộ, đảng viên, song đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Duy Hanh sau khi làm việc với Ban Tuyên huấn đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với ban đó là: Tập trung biên soạn một tài liệu học tập có tính phổ thông nhưng bảo đảm cung cấp được một số kiến thức cơ bản, tối thiểu về cách mạng, về Đảng cho tất cả cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Cuộc họp đã thống nhất đặt tên cho tài liệu ấy là: “Vỡ lòng Cộng sản” gồm các bài: Giai cấp là gì? cách mạng là gì? Cách mạng dân tộc dân chủ; cách mạng vô sản (cách mạng xã hội chủ nghĩa); chủ nghĩa cộng sản; sơ lược lịch sử Đảng. Tháng 6-1949, tỉnh phát hành tài liệu học tập đầu tiên. Sau khi có tài liệu và chỉ thị học tập của Tỉnh ủy, không khí học tập sôi nổi, hào hứng ở khắp nơi.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về cả tổ chức và hoạt động, song công tác tuyên huấn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã tận dụng mọi hình thức, phương pháp để chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động toàn dân Thủ Dầu Một tham gia kháng chiến. Thông qua công tác tuyên truyền nhằm giáo dục nhân dân thông suốt đường lối kháng chiến của Đảng, nâng cao lòng căm thù giặc, phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, phê phán các quan điểm lệch lạc: bi quan, dao động, ngại hy sinh, ngại gian khổ.

Có thể nói, từ khi thành lập ngành Tuyên huấn, nhờ tổ chức tốt việc quán triệt chủ trương, đường lối kháng chiến trường kỳ của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, phong trào cách mạng Thủ Dầu Một đã đạt nhiều thành tích quan trọng. Ngoài những trận đánh thắng lợi ở đường 14, đường 13 đoạn Bến Cát - Lộc Ninh, khu vực An Điền, Bến Cỏ, Long Nguyên… ở nhiều nơi trong tỉnh và ở vùng tạm chiếm, hoạt động diệt tề, trừ gian của bộ đội và du kích gây cho địch nhiều tổn thất, làm cho địch hoang mang, sợ hãi. Thời gian này, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, Đảng bộ đã xây dựng được lực lượng cách mạng rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân, xây dựng cơ sở trong công nhân ở các đồn điền cao su Dầu Tiếng, Lộc Ninh, xây dựng cơ sở trong các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một và các thị xã, thị trấn, trong các lực lượng tôn giáo và Hoa kiều… Đó là cơ sở để Đảng bộ Thủ Dầu Một (sau khi sáp nhập là Đảng bộ Thủ Biên) bước vào giai đoạn cách mạng mới.(còn tiếp)

TRÍ DŨNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=540
Quay lên trên