Bài 3: Chung sức xây dựng quê hương
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), cùng với Đảng bộ tỉnh, ngành tuyên giáo đã tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ quân và dân trong tỉnh phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thiếu thốn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ củng cố, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế.
Bảo vệ thành quả cách mạng
Mỗi năm, trong những dịp họp mặt kỷ niệm truyền thống ngành tuyên giáo tỉnh, chúng tôi lại có dịp được gặp mặt và trò chuyện cùng những cán bộ tuyên giáo của tỉnh qua các thời kỳ. Trong niềm vui gặp mặt, bên cạnh việc hỏi thăm nhau về đời sống hàng ngày, những cán bộ tuyên giáo còn cùng nhau ôn lại những tháng ngày kề vai, sát cánh bên nhau trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Trong đó có nhiều câu chuyện về hoạt động của ngành tuyên giáo sau ngày thống nhất đất nước.
Các cán bộ từng làm công tác tuyên giáo trong niềm vui họp mặt năm 2018. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Trong giai đoạn này, công tác chủ yếu của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, trong đó có Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy là cùng với Ban Quân quản tiếp nhận những trụ sở, cơ quan làm việc của chính quyền cũ, ổn định tổ chức để các cơ quan đi vào hoạt động bình thường. Hình thức tuyên truyền chủ yếu trong thời kỳ này là tuyên truyền miệng thông qua các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền cổ động bằng loa phóng thanh sẵn có. Ban Tuyên huấn giữ vai trò chỉ đạo, điều hành công tác thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng nhằm ổn định tình hình. Đặc biệt, trong tháng 5-1975, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, MTTQ tập trung tuyên truyền phổ biến chính sách 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, cùng nhau xây dựng xã hội mới; tuyên truyền thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc, vận động nhân dân hợp tác với chính quyền cách mạng tại địa phương bảo vệ thành quả cách mạng; phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, tiếp tục hoạt động vì lợi ích gia đình và xã hội.
Giai đoạn này, Ban Tuyên huấn tỉnh đã chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy tinh thần chịu đựng gian khổ, tích cực chấn chỉnh và xây dựng lề lối làm việc, phát huy dân chủ tập thể, đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, cá nhân chủ nghĩa, quan liêu, xa rời quần chúng và biểu hiện sai trái, bảo đảm uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng. Từ đây, việc ổn định tình hình, ổn định tư tưởng làm cho mọi người dân thông hiểu chính sách khoan hồng, hòa hợp dân tộc của Mặt trận giải phóng là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, của các ngành, các cấp, của cán bộ, đảng viên, trong đó không thể thiếu vai trò của ngành tuyên huấn.
Quán triệt nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của Tỉnh ủy giai đoạn này là củng cố, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cán bộ ngành tuyên huấn đã cùng với các đoàn công tác của tỉnh xuống tận cơ sở các huyện, thị tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng. Các đợt tuyên truyền đã thu được kết quả đáng phấn khởi. Nhân dân hân hoan, phấn khởi trước thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; hăng hái tham gia lao động sản xuất, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền cách mạng.
Từ đầu năm 1976, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé được thành lập và đi vào hoạt động. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành tuyên giáo giai đoạn này là tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ nhất và triển khai thực hiện nghị quyết của đại hội. Đại hội đã xác định, yêu cầu công tác tư tưởng thời kỳ này là trang bị cho quần chúng tư tưởng tình cảm đối với chế độ mới xã hội chủ nghĩa để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Từ đó, nâng cao giác ngộ trách nhiệm và vinh dự phấn đấu thực hiện những mục tiêu, kế hoạch, biến sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thực sự là sự nghiệp của quần chúng…
Ngay sau đại hội, Ban Tuyên giáoTỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các đợt sinh hoạt, học tập Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngày 10-12-1976, tờ báo Sông Bé ra số đầu tiên. Sau đó, ngày 2-10-1977, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng chương trình đầu tiên. Sự ra đời của 2 cơ quan tuyên truyền này đã kịp thời thông tin, phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, xã hội, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện theo chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp, động viên mọi nguồn lực dồn sức cho nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Góp phần đưa địa phương phát triển
Nhiệm vụ xuyên suốt trong những năm đầu của thập kỷ 80, thế kỷ 20 của ngành tuyên giáo tỉnh là tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; gắn phát triển kinh tế, khôi phục mở rộng sản xuất với phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội. Trong giai đoạn 1981-1986, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh là cơ bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tập trung tuyên truyền, quán triệt của Trung ương, xác định những vấn đề cấp bách về tư tưởng và tổ chức, bảo đảm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế - xã hội trước mắt.
Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới sau Đại hội VI của Đảng, công tác tuyên giáo của tỉnh cũng có nhiều đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tập trung tuyên truyền những vấn đề cấp bách mà tỉnh tập trung giải quyết như: Phân phối lưu thông, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ tập trung quan liêu và hành chính bao cấp, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chuyển sang hạch toán kinh tế kinh doanh xã hội chủ nghĩa; giải quyết vấn đề bảo đảm quyền tự chủ về sản xuất, kinh doanh đối với các đơn vị kinh tế cơ sở… Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giai đoạn này đã hướng dẫn các cơ quan trong khối thông tin tuyên truyền tập trung triển khai trong Đảng và toàn xã hội đường lối đổi mới và chủ trương thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng.
Trong lĩnh vực khoa giáo, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền, tỉnh có nhiều nỗ lực thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, thể dục, thể thao, tạo nên những chuyển biến tích cực. Sau Đại hội VI của Đảng, tình hình kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có những chuyển biến rõ rệt và đạt được những thành tựu bước đầu. Đây cũng là thời kỳ tỉnh đề ra chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”, qua đó tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển công nghiệp. Hoạt động của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giai đoạn này đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong việc huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cho sự phát triển của địa phương cũng như góp phần quảng bá môi trường sản xuất, kinh doanh của tỉnh đến các nhà đầu tư.
Sự hoạt động tích cực của ngành tuyên giáo tỉnh trong suốt hơn 20 năm sau ngày giải phóng đã góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu được tình hình, nhiệm vụ vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa khôi phục sản xuất; tạo ra sự đồng thuận cao với những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh chống các thế lực thù địch, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự ổn định chính trị trong nhân dân để cùng chung tay đưa địa phương ngày càng phát triển. (còn tiếp)
CAO SƠN (thực hiện)