Ước mơ vươn lên của đóa hướng dương nhỏ

Cập nhật: 14-09-2020 | 07:53:59

 Đạt 50,6 điểm ở 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 26 điểm đối với khối C xét tuyển đại học, em Nguyễn Duy Phương, học sinh trường THPT Bến Cát (TX.Bến Cát) “dư sức” vào đại học. Thế nhưng, cánh cửa bước vào giảng đường đại học đang có nguy cơ khép lại với em cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

 Vượt khó học giỏi, em Nguyễn Duy Phương nhận được nhiều giấy khen do nhà trường khen tặng

 Gian nan cùng con ch

Thoạt nghe tên, chúng tôi cứ nghĩ đây là một nam sinh, nhưng thật bất ngờ Duy Phương lại là một cô gái tuổi vừa 18. Trong suốt cuộc trò chuyện, em liên tục “dạ”, “thưa” thật lễ phép, đó là điểm cộng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với cô học trò ngoan, hiền, học giỏi này. Theo bước chân của cô học trò dễ mến chúng tôi đến nhà của Phương. Gọi là nhà nhưng đó chỉ là căn trọ chưa đầy 16m2 ở khu phố 3, phường Mỹ Phước (TX.Bến Cát), nơi sinh sống của 5 thành viên trong gia đình em.

Mẹ em, chị Lê Thị Tiến cho chúng tôi biết gia đình chị thuộc diện hộ nghèo ở tỉnh Cà Mau. 12 năm trước, cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên cả gia đình lên Bình Dương lập nghiệp với mong muốn “đổi đời”. Lúc này cũng là thời điểm Phương vào lớp 1. Cả hai vợ chồng đều không được học hành đầy đủ, không có trình độ, vì vậy chồng chị làm phụ hồ, còn chị làm thuê. Cuộc sống gia đình chị cũng tạm ổn định, đắp đổi qua ngày. Chị Tiến ngậm ngùi: “Từ khi cháu học lớp 7, tôi bị bệnh tiểu đường nặng. Mới đây tôi còn bị té gãy chân nên hiện tại chỉ có thể ở nhà nội trợ. Dù còn nhỏ tuổi nhưng Phương đã có ý thức đi làm thêm phụ giúp gia đình. Làm cha mẹ mà không lo được cho con trọn vẹn, để con cái phải vất vả tôi cũng khổ tâm lắm, nhưng vì bệnh tật đành phải cam chịu thôi”.

Cô Vũ Th Nguyt, giáo viên ch nhim lp 12C10, trường THPT Bến Cát:

Duy Phương là một học sinh ngoan, hiền, chịu khó, học giỏi. Do hoàn cảnh khó khăn em phải đi làm thêm phụ giúp gia đình. Dù vậy, Phương đã biết sắp xếp hợp lý giữa việc học và đi làm, chưa ngày nào em nghỉ học. Trong những năm học ở trường THPT Bến Cát, Phương tích cực tham gia các phong trào do Đoàn trường phát động. Trong lớp, em luôn đứng vị trí thứ hai về thành tích học tập. Em là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, học giỏi của nhà trường.

Khi mẹ bệnh tật cũng là bắt đầu chuỗi ngày cực nhọc của cô học trò bé nhỏ. Từ đây, buổi sáng đi học, còn từ 15 giờ em phụ bán chè cho quán gần nhà trọ đến hơn 22 giờ đêm mới nghỉ. Sau một thời gian em chuyển sang phụ bán quán ăn, công việc cũng vất vả không kém, thời gian làm thêm cũng kéo dài cho đến tận khuya. Ông bà ta thường nói, ở lứa tuổi này thì “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng với Phương thì lại khác. Cũng vì hoàn cảnh gia đình, cô bé hiếu thảo này đã biết lo toan cho gia đình. Với công việc làm thêm, mỗi tháng em chắt chiu được 3 triệu đồng để phụ giúp mẹ chữa bệnh và lo các chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của em, từ khi Phương học tiểu học đến khi lên THPT, nhiều thầy, cô giáo trong trường Phương học đã quan tâm, giúp đỡ em về vật chất, tinh thần. “Em không bao giờ quên sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Thiên Hoàng Vũ, trường Tiểu học Mỹ Phước. Thầy đã âm thầm đóng học phí cho em, thầy còn đóng tiền cho em đi chơi cùng với lớp. Ngày em vào lớp 10 thầy còn cho em áo dài. Hay như cô chủ nhiệm lớp 10 đã mua sách, tập cho em học... Chính tình cảm như cha mẹ của các thầy cô đã giúp em có động lực cố gắng học tập thật tốt để đền đáp lại công ơn ấy”, trong niềm xúc động và biết ơn sâu sắc, Phương cho biết.

Ngoài sự quan tâm chăm sóc của thầy cô, nhiều năm qua em còn nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm khi biết hoàn cảnh và nghị lực mạnh mẽ của em. Phương đã được tặng những phần học bổng giá trị dành cho học sinh nghèo vượt khó có thành tích tốt trong học tập. Tự sự san sẻ yêu thương của nhiều tấm lòng nhân ái, Phương càng có thêm nghị lực và niềm tin về tương lai ở phía trước. Khó khăn không ngăn được quyết tâm tiến về phía trước của em. Nhờ học giỏi đều các môn học, tổng kết cuối năm học vừa qua, em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, em đạt 26 điểm ở khối xét tuyển đại học, trong đó môn ngữ văn đạt 8,5 điểm, lịch sử 9,25 điểm, địa lý 8,25 điểm.

Ước mơ đang xa tm vi

Vừa đi học, vừa đi làm thêm, thời gian của Phương dày kín, vậy mà em luôn hoàn thành tốt việc học tập của mình với quỹ thời gian ít ỏi. Phương đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền. Không những thế, Phương còn tham gia đầy đủ các phong trào do trường, lớp, thị xã tổ chức. Tâm sự với chúng tôi, em cho biết hàng đêm sau khi xong công việc trở về nhà em lại lao vào học bài; nhiều hôm học đến 12 giờ khuya, 1 giờ sáng mới ngủ. Học ở nhà không đủ, em lại đem sách vở đến quán nơi em làm để học mỗi khi vắng khách. Thấy em ngoan, hiền, hiếu học, ông bà chủ quán thương tình cũng không nỡ ngăn cản. Cứ như thế, dù gian lao, vất vả nhưng với lòng kiên trì và tình yêu thương của những người xung quanh em đã hoàn thành chương trình THPT với kết quả thật đáng nể phục như trên.

Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong khi các bạn cùng trang lứa nghỉ ngơi, thư giãn, Phương lại xin làm công nhân cho một công ty sản xuất bộ dẫn điện xe hơi của Nhật. Em chia sẻ, em đăng ký làm 12 tiếng mỗi ngày để có thêm thu nhập giúp mẹ trả khoản nợ 10 triệu đồng vay mượn chữa bệnh. Nhìn em, chúng tôi không khỏi cảm thấy ái ngại cho cô bé vừa giã từ thời áo trắng nay đã phải bươn chải trong dòng đời đầy vất vả. Khi được hỏi về lựa chọn cho tương lai, giọng Phương chùng xuống: “Em đang băn khoăn giữa đi làm và đi học. Trong thời điểm này nếu em đi học đại học thì gia đình sẽ càng thêm khó khăn, vì hiện tại chỉ có ba là lao động chính trong gia đình, sức khỏe cũng ngày càng xuống. Có thể em sẽ tạm thời đi làm trong 1 năm, sau đó ôn tập thi lại vào năm học tới”. Chưa đầy 1 tháng làm công nhân, cô bé vừa rời ghế nhà trường này đã cảm nhận rõ nỗi vất vả của người lao động. Nhưng vì gia đình, Phương cho hay, dù khổ nhọc đến mấy cũng cố vượt qua, chỉ mong giúp cho ba vơi đi nỗi nhọc nhằn, giúp mẹ có tiền tiếp tục chữa bệnh.

Phương cho hay, nguyện vọng của em là vào ngành quản trị văn phòng hoặc đông phương học của Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh. Còn với Đại học Thủ Dầu Một em chọn ngành luật. 18 thanh xuân, Phương có nhiều ước mơ và hoài bão nhưng đường tương lai của Phương cũng lắm nỗi gập ghềnh, trắc trở. Nếu cánh cửa đại học khép lại với cô gái hiếu học này, quả thật đó là một thiệt thòi đối với em. Qua bài viết này, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm dang rộng vòng tay yêu thương, cho Phương một phép màu để viết tiếp ước mơ đến trường; để tương lai của em không còn khó nhọc như cha mẹ.

Chúng tôi chia tay em cũng là thời điểm Phương chuẩn bị vào ca đêm, làm việc từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng. Nhìn dáng người gầy nhỏ, đôi mắt thâm quầng vì thức đêm của Phương, chúng tôi không khỏi xót xa cho em và liên tưởng đến hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời. Một học sinh giỏi, có khát vọng nhưng ước mơ dường như đang dần xa tầm với. Chúng tôi thầm mong “đóa hướng dương nhỏ” này sẽ luôn hướng về mặt trời và bước vào được cánh cửa đại học mà em hằng mong ước.

 Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong khi các bạn cùng trang lứa nghỉ ngơi, thư giãn, Phương lại xin làm công nhân cho một công ty sản xuất bộ dẫn điện xe hơi của Nhật. Em chia sẻ, em đăng ký làm 12 tiếng mỗi ngày để có thêm thu nhập giúp mẹ trả khoản nợ 10 triệu đồng vay mượn chữa bệnh.

 ÁNH SÁNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=524
Quay lên trên
X