Ưu tiên phát triển khu, cụm công nghiệp chất lượng cao

Cập nhật: 15-06-2020 | 07:49:24

 Với đóng góp GRDP chiếm 42%, thu ngân sách hơn 43% tổng thu ngân sách cả nước vào năm 2019, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam tiếp tục khẳng định là vùng kinh tế dẫn đầu cả nước. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để về đích sớm hơn ít nhất 10 năm trong mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, ngoài việc ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết, Vùng KTTĐ phía Nam cần phải nỗ lực ưu tiên, đầu tư phát triển các khu công nghiệp (KCN) hiện đại, công nghệ chất lượng cao và đô thị thông minh…

 Hạ tầng công nghiệp Bình Dương đồng bộ, hiện đại, được các nhà đầu tư đánh giá cao. Trong ảnh: Một góc KCN VSIP 1

 Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng

Những năm qua, Vùng KTTĐ phía Nam là nơi được Chính phủ ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế. Hàng loạt các dự án giao thông lớn được quy hoạch, triển khai như: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 3... Những dự án lớn trên khi hoàn thành, kết nối với các tỉnh, thành sẽ tạo ra những bước tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp (DN).

Có thể thấy, ngay trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chảy mạnh vào các tỉnh, thành trong vùng. Cụ thể, trong 4 tỉnh, thành đang dẫn đầu Việt Nam về thu hút đầu tư FDI 5 tháng đầu năm, có 3 tỉnh, thành nằm trong Vùng KTTĐ phía Nam là TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Vùng KTTĐ phía Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện các địa phương trong vùng đang sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài hậu Covid-19.

Chia sẻ tại hội nghị phát triển Vùng KTTĐ phía Nam vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC cũng cho biết, để đón dòng dịch chuyển đầu tư nước ngoài chất lượng, thời gian tới, Vùng KTTĐ phía Nam cần hướng đến tạo ra giá trị gia tăng mới, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng. Trước mắt là đẩy nhanh kết nối các vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế... từ đó lan tỏa trong vùng và cả các khu vực.

Tăng cường liên kết vùng

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các địa phương Vùng KTTĐ phía Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là vùng kinh tế phát triển năng động, có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ có lợi thế tạo ra giá trị gia tăng cao. Vùng có hơn 140 KCN, khu chế xuất đang hoạt động. TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai là những địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định qua nhiều năm.

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong thu hút đầu tư FDI những năm gần đây, Vùng KTTĐ phía Nam đã có sự chọn lọc nên có nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ lớn - đúng lĩnh vực cả nước đang cần. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ có tác động lan tỏa đến hầu hết các ngành công nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho các ngành kinh tế trong vùng. Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương trong vùng cần ưu tiên các ngành công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành…

Nằm trong Vùng KTTĐ phía Nam, Bình Dương đang trở thành một trong những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư vào các KCN. Hiện nay, Bình Dương có 29 KCN với tổng diện tích trên 10.000 ha với khoảng 1.500 DN đang hoạt động. Trong thu hút đầu tư, Bình Dương định hướng thu hút các ngành nghề khoa học kỹ thuật, mang lại giá trị thặng dư cao. KCN khoa học công nghệ mà tỉnh định hướng phát triển trong Đề án “Thành phố thông minh” cũng nằm trong định hướng đó. Ngoài ra, để phát triển bền vững, Bình Dương luôn định hướng gắn kết hạ tầng đối với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận trong vùng.

Việc hình thành các KCN mới ở phía bắc tiếp tục giúp Bình Dương đột phá về thu hút dòng vốn đầu tư và khai thác hiệu quả quỹ đất. Điển hình như các KCN VSIP 2 (345 ha, đã lấp đầy đạt 100%), VSIP 2 mở rộng (1.700 ha, lấp đầy khoảng 60%), VSIP 3 (1.000 ha), Singapore Ascendas Protrade, An Tây, Việt Hương 2, Tân Bình, Bàu Bàng, Tân Mỹ… đang thu hút hàng trăm DN đầu tư.

Về phía nhà đầu tư, ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Tetra Pak, KCN VSIP II cho biết, Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện; luôn có định hướng kết nối với Vùng KTTĐ phía Nam thông qua các tuyến quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn... Hầu hết các KCN đều được quy hoạch, định hướng xây dựng hiện đại, chất lượng cao. Đặc biệt là chính quyền tỉnh cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng nhà đầu tư và DN.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, thế mạnh của Bình Dương là có vị trí thuận lợi, nằm trong Vùng KTTĐ phía Nam, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa. Hiện các KCN trong tỉnh đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững. Thời gian tới, tỉnh ưu tiên những DN có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; hạn chế các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Đồng thời tăng cường mối liên kết vùng trong thu hút đầu tư, phối hợp các tỉnh, thành lân cận trong việc lựa chọn dự án, mời gọi đầu tư, nhất là ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐ phía Nam cần phát triển các KCN lớn, đô thị thông minh, với nguồn nhân lực chất lượng, hạ tầng tốt để đón thời cơ nguồn vốn đầu tư chất lượng cao đang dịch chuyển vào Việt Nam. Các tỉnh, thành như TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương phải thu hút đầu tư công nghệ cao, từ đó lan tỏa ra các địa phương khác. Đối với những địa phương có tỷ lệ lấp đầy các KCN từ 55 - 60%, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, mở rộng hoặc quy hoạch để đón “làn sóng” đầu tư mới. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho KCN, khu đô thị.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=626
Quay lên trên