Từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nghĩ về nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”

Cập nhật: 26-01-2017 | 21:02:15

Cuốn nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh" của nữ nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên cũng như nhật ký của Nguyễn Văn Thạc hay Đặng Thùy Trâm… đều là những cuốn nhật ký “có lửa”, sáng ngời lý tưởng cách mạng của một thế hệ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đọc cuốn nhật ký, liên hệ với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ sẽ cho những gợi mở để thực hiện tốt nghị quyết này.

 Nhận diện

Khi đọc nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh", nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết cảm nhận: “Tôi thật sự xúc động, tự hào và khâm phục khi đọc cuốn nhật ký này. Nhớ lại Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… cũng lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, họ đã sống, chiến đấu, xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân…”. Quả thật, mỗi trang nhật ký của nữ nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên đều là một bài học, giúp cho thế hệ hôm nay nhận thức lý tưởng, trui rèn đạo đức cách mạng. Lý tưởng, đạo đức cách mạng không phải tự dưng mà có, đó là kết quả của một quá trình nhận thức. Mỗi trang của nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh" là một quá trình tự nhận thức, đấu tranh, “tự phê bình”, nghiêm túc lắng nghe để hoàn thiện bản thân, xây đắp lý tưởng và đạo đức cách mạng.

Ở phương diện này, khi liên hệ với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nếu có; từ đó soi vào để “tự phê bình”. Đơn cử như nhật ký viết: “Tháng 5-1964: Được

 tin chuẩn bị đi dự lớp sư phạm ở R (họp ngày 30-5). Ngày M. suy nghĩ nhiều. Có phấn khởi về tư tưởng. Nghĩ đến học phục vụ cách mạng nhiều”. Hay ngày 30-11-1964, chị viết: “…Luôn nhớ đạo đức của người cộng sản “Vì mọi người, vô tư mà học tập”. Rèn luyện bản thân về kiến thức, văn hóa, đạo đức cách mạng”… Được cử đi học, chị phấn khởi về tư tưởng và xác định học là để phục vụ cho cách mạng, không phải được đi học để phục vụ mục đích cá nhân. Còn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu rõ 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống là “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”…

Đấu tranh

Đấu tranh với chính mình là một cuộc đấu tranh triệt tiêu cái tiêu cực, cái thói hư, tật xấu của bản thân để “vươn lên bằng đôi cánh của thiên thần”. “Tự phê bình” cũng là một cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để kiên định lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh", chị Lê Thị Thiên cũng có những đợt “tự phê bình”: “Ngày 28-8-1964: Trong thời gian gần đây (đầu tháng 8 đến nay), M. đã nghĩ đến chuyện mà chưa cần nghĩ đến. Nói cách khác, M. đấu tranh tư tưởng để vượt qua, không nghĩ đến nữa…”. Ngày 20-11-1964, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, chị viết nhật ký về sự kiện được nghe kể về nghề giáo. Từ đó, chị “tự phê bình” rồi xác định cần học tập nhiều hơn: “Soi rọi lại thời gian công tác qua, M. thấy thiếu sót nhiều. Đây là nơi rèn luyện M. thành người kỹ sư tâm hồn. Cần vươn lên hơn nữa… Thanh niên là lực lượng đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nhiều nhất và cũng là thế hệ xây dựng xã hội mai sau…”.

“Tự phê bình” trong cuốn nhật ký rất đỗi bình dị mà lại rất nghiêm túc, thể hiện chi tiết diễn biến tâm lý, hành động soi rọi lại bản thân và khẳng định ý chí quyết tâm phấn đấu, khiến ai đọc cũng đều rất xúc động. Đêm 1-1-1965, chị viết: “Đêm nay được nghe chú Năm nói chuyện tình hình miền Nam rất phấn khởi, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều, vẻ vang hơn… Qua lời của chú M. soi rọi lại bản thân: M. cần trau dồi học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản, chân lý cuộc đời… Vâng! M. phải gắng làm được. Từ lâu M. nghĩ cho M. vì M. Nhiều tư tưởng thiếu tập trung, thiếu nghiêm khắc với mình, ít thấy khuyết điểm. Chưa thật khoan hồng bạn, nhất là người bạn nhỏ tuổi hơn M. Thiếu giúp đỡ bạn qua sự phân công của tổ Đoàn. Tuổi còn trẻ. Đời còn dài. Vì Tổ quốc. Nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn. Gạt bỏ tư tưởng vì cá nhân… Tiêu cực là bệnh ung nhọt…”.

Từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nghĩ về nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” là một đề xuất gợi mở để mỗi người cán bộ, đảng viên soi rọi và nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xứng đáng với niềm tin của quần chúng nhân dân.

 Khi đọc nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh" còn cho thấy, để bồi đắp lý tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng cần phải có một môi trường cách mạng. Ngày 20-12-1965, chị Lê Thị Thiên viết: “Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ 5. Trong 5 năm qua, Mặt trận đã lớn mạnh nhiều. M. cũng từ đó, qua sự giáo dục của của cách mạng, của Đảng, với nhiệm vụ công tác của mình, M. đã lớn lên trong bước tiến nhanh chóng của cách mạng. Trui rèn nhiều hơn nữa để trở thành con người ở thế hệ Hồ Chí Minh…”.


ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên