Tết đến, nhiều đoàn lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh mang những phần quà đến thăm, tặng cho mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), gia đình chính sách, người có công (NCC). Những phần quà ý nghĩa được chuyển tận tay các đối tượng chính sách không chỉ có giá trị vật chất mà còn thể hiện bao tình cảm của các ngành, các cấp, nhà hảo tâm. Riêng tết năm nay, đối với những người vợ, mẹ liệt sĩ dường như tết dài hơn khi trong năm qua đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ VNAH”.
Các mẹ được thế hệ trẻ dìu lên nhận danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"
Sưởi ấm lòng mẹ
Chiến tranh đã qua đi, những người phụ nữ kiên trung cảm thấy “ấm lòng”, Bình Dương đã tích cực rà soát, phong và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” như một lời tri ân trước những hy sinh lớn lao của các mẹ.
Tính đến cuối năm 2016, Bình Dương có 1.970 mẹ được phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ VNAH, hiện có94 mẹcòn sống. Cuộc đời mỗi mẹ là một câu chuyện, là một hoàn cảnh riêng nhưng các mẹ cùng có chung niềm vui, niềm vinh dự tự hào rất đỗi lớn lao khi được phong tặng danh hiệu.
Mẹ Bùi Thị Lăng, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một vui mừng: “Được phong tặng danh hiệu mẹ VNAH, mẹ rất vui. Vậy là tết năm nay đến sớm và tết suốt năm”. Mẹ Tô Thị Bê, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng bộc bạch: “Mẹ cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Mẹ nguyện sống gương mẫu, dạy bảo con cháu noi theo tấm gương kiên cường chiến đấu, dũng cảm hy sinh cho dân tộc của cha ông. Mẹ cũng mong các thế hệ con cháu sau này mãi ghi nhớ, tiếp nối truyền thống bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, xây dựng mảnh đất Bình Dương ngày càng giàu đẹp hơn”.
Ngày được trao tặng danh hiệu, có mẹ do tuổi cao, sức yếu đã vĩnh viễn ra đi. Danh hiệu này đã phần nào an ủi linh hồn các mẹ nơi suối vàng, đồng thời là minh chứng khẳng định Đảng và Nhà nước không bao giờ quên công lao to lớn của các mẹ. Các mẹ đã làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Ông Trần Hoàng Liêm, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, con thứ 6 của mẹ Nguyễn Thị Xinh, nghẹn ngào nói: “Dù mẹ không còn nhưng tôi tin rằng nơi suối vàng mẹ cũng đang ngậm cười bởi Đảng, Nhà nước và các thế hệ con cháu luôn ghi nhớ sự cống hiến hy sinh của mẹ”.
Bao la tình cảm
Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, tỉnh đã xác lập và quản lý 60.419 hồ sơ NCC với cách mạng các loại. Trong đó, 16.309 liệt sĩ, 4.823 thương binh các hạng, 1.024 bệnh binh, 833 cán bộ hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 6.088 cán bộ hoạt động kháng chiến trợ cấp một lần, 1.299 cán bộ hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…
Chia sẻ những mất mát, đau thương với các gia đình chính sách và NCC, tỉnh luôn xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là một nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Riêng mỗi dịp tết đến, xuân về lãnh đạo tỉnh, các địa phương tổ chức từng đoàn đến thăm các mẹ, thăm gia đình NCC.
Trong căn nhà còn nức mùi sơn, mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhương, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng mừng rỡ khi được xây tặng căn nhà tình nghĩa. Nhà cửa khang trang, mẹ đang cùng con cháu dọn dẹp, bố trí bàn ghế, bánh mứt để đón tiếp lãnh đạo các cấp đến thăm. “Tết năm nào, nhà mẹ cũng đông lắm! Các chú lãnh đạo huyện, xã đến thăm tặng quà, rồi đến các cháu đoàn viên thanh niên, học sinh các trường. Đầu năm vui nên cả năm lúc nào mẹ cũng vui, hạnh phúc trước sự quan tâm của con cháu dành cho mình”, mẹ Nhương tâm sự.
Để mẹ VNAH, gia đình chính sách lúc nào cũng cảm thấy vui như tết, suốt cả một thời gian dài, tỉnh đã có những chính sách chăm lo như giải quyết chính sách và tạo điều kiện cho con em họ được học hành và bố trí việc làm được địa phương quan tâm. Hầu hết các địa phương đã thực hiện ưu tiên hỗ trợ về ngày công lao động, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp giúp các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập.
Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành ý thức của mỗi người dân, thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: N hà nước, cộng đồng và cá nhân, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động được sự hưởng ứng tham gia tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay chăm sóc các đối tượng chính sách, NCC. Từ nguồn quỹ này, tỉnh đã triển khai được nhiều hoạt động chăm sóc, nâng cao mức sống của NCC và gia đình.
Ông HỒ QUANG ĐIỆP, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: “Tỉnh tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với những NCC bảo đảm đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có sự chuyển biến tích cực, nhất là các tổ chức chính trị, xã hội đã nhiệt tình đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tham gia xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình phát triển kinh tế, tạo niềm tin tưởng giữa gia đình chính sách, nhân dân với Đảng, Nhà nước”.
THIÊN LÝ