Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị thông minh, bền vững

Cập nhật: 21-01-2017 | 10:31:30

 “Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Trong 28 chỉ tiêu nghị quyết đặt ra từ đầu năm, có 26 chỉ tiêu tỉnh đạt và vượt kế hoạch. Với lộ trình, kế hoạch đã đ ược xây dựng kỹ lưỡng, cùng sự đồng thuận, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tôi tin tư ởng rằng tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong năm tới...”, đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương. 

- Thưa đồng chí, trong năm 2016 kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Xin đồng chí đánh giá những điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh KT-XH của tỉnh năm 2016?

- Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh nên KT-XH của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Về kinh tế, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 63% - 23,5% - 4,3% - 9,2%. Tình hình sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp (DN) duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng khá. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 10,1%, trong đó, có 25/28 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Lĩnh vực hoạt động thương mại ổn định, hàng hóa dồi dào, phong phú. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 143.318 tỷ đồng, tăng 21%. Lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định với kim ngạch xuất khẩu đạt 24,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 20,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,2%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định với giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong năm vừa qua tăng 4,1%.

Trong năm 2016, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, hỗ trợ DN, thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ với các DN, hiệp hội ngành hàng, nhà đầu tư để giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN; nhờ đó, hoạt động đầu tư tiếp tục tăng và sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển có hiệu quả. Toàn tỉnh đã thu hút được 31.291 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, gồm 4.387 DN đăng ký mới với số vốn 18.767 tỷ đồng và 768 lượt DN bổ sung vốn với số vốn 12.524 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 25.354 DN trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn hơn 188.000 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút 2 tỷ 40 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, gồm 240 dự án cấp mới với số vốn 1,365 tỷ USD và 123 lượt DN tăng vốn với số vốn 675 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 2.827 dự án với tổng số vốn là 25,7 tỷ USD.

Năm 2016, công tác bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội và thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực ngành y tế được quan tâm đầu tư, củng cố. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nghiêm túc. Chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được nâng cao. Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được tỉnh tổ chức với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Các hoạt động đối ngoại được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kết nghĩa, hợp tác hữu nghị giữa tỉnh với các địa phương, đối tác nước ngoài. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững.

Đồng chí Trần Thanh Liêm (thứ 2, bên trái), Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các đại biểu bên hành lang kỳ họp thứ 3,
HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: Q.CHIẾN

- Để sớm đưa Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, trong năm 2017, UBND tỉnh đề ra những giải pháp phát triển KT-XH như thế nào, thưa đồng chí?

- Năm 2017, hướng đến mục tiêu tổng quát là: Bảo đảm tăng trưởng ổn định và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT-XH, phát triển đô thị - dịch vụ tạo tiền đề đưa tỉnh trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như sau:

- Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ và phát triển DN khởi nghiệp. Điều chỉnh chủ trương, chính sách trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các DN, hiệp hội ngành hàng để giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

- Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển khu đô thị mới kết hợp với chỉnh trang các đô thị hiện hữu theo lộ trình đã đề ra. chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng gắn với lộ trình xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh, phát triển bền vững; bảo đảm vừa tăng trưởng nhanh về kinh tế, vừa bảo đảm sinh thái bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

- Thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng nguồn thu, tiết kiệm chi tiêu và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tiếp tục thực hiện các biện pháp thu đúng, thu đủ, chống thất thu, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, trốn thuế. Thực hiện chi ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và trong phạm vi dự toán được giao.

- Tăng cường vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao để giảm áp lực chi thường xuyên; chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp có điều kiện sang tự chủ tài chính, từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp sang cơ chế đặt hàng đối với sự nghiệp công lập. Trong đầu tư xây dựng cơ bản phải bố trí vốn tập trung, đình hoãn các dự án chưa thật sự cần thiết, bức xúc để tập trung cho những công trình trọng điểm.

- Thực hiện tốt các biện pháp, chính sách bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân, tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là chế độ chính sách cho các đối tượng trong dịp lễ, tết. Tạo điều kiện để các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện tốt giải quyết việc làm, kết nối cung cầu lao động. Có kế hoạch, giải pháp để thực hiện tốt đề án giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều của tỉnh. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, tỉnh sẽ phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật trự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế...

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ổn định và bền vững KT-XH tỉnh nhà như các giải pháp nêu trên thì đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, cùng đóng góp trí tuệ, công sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ năm 2017 mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra.

- Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết trong thời gian tới, Bình Dương sẽ triển khai các giải pháp như thế nào để xây dựng đề án thành phố thông minh Bình Dương?

- Vào tháng 10-2016, UBND tỉnh đã có báo cáo tóm tắt Đề án thành phố thông minh Bình Dương; việc xây dựng thành phố thông minh là nhằm thực hiện các mục tiêu lớn của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch đô thị văn minh hiện đại, phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh có hàm lượng tri thức cao, huy động các nguồn lực để phát triển, xây dựng thương hiệu và chương trình tiếp thị tầm quốc tế cho Bình Dương. Đây là một dự án lâu dài cho Bình Dương, lấy con người làm trọng tâm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và phát triển KT-XH của tỉnh. Dự án tạo cơ hội đưa Bình Dương bước lên tầm cao mới, thu hút nhiều mối quan hệ đầu tư hợp tác, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh, trong đó có Hội thảo “Thành phố thông minh - Mô hình ba nhà”, đồng thời công bố cơ cấu tổ chức Dự án Thành phố thông minh Bình Dương và các nội dung cụ thể trong năm 2017. Hội thảo góp phần xác định phương hướng, tầm nhìn, giải pháp và nội dung thực hiện cụ thể trong việc triển khai đề án trong năm 2017; đồng thời xác định vai trò then chốt của mô hình “Ba nhà” xét trong mối quan hệ tổng thể đối với công tác quản lý nhà nước về xây dựng đô thị thông minh; tạo cơ sở lý luận và thực tiễn bước đầu cho việc hoạch định một chính sách phát triển thành công của tỉnh trong tương lai.

Nhằm cụ thể hóa Chương trình số 22/CTr-TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, ngày 21-11-2016, UBND tỉnh đã thông qua Chương trình chiến lược đột phá của Bình Dương đến năm 2021 (còn gọi là Binh Duong Navigator 2021) và là trọng điểm của dự án Thành phố thông minh Bình Dương. Mô hình này tập trung vào sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 trụ cột đó là: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà trường và DN. Đây là một chương trình giúp Bình Dương định hướng sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó từng bước chuyển hóa từ nền công nghiệp sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao và dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương. Cùng với các chương trình đột phá khác của tỉnh, chương trình này sẽ hướng đến mục tiêu gia tăng GDP trong ngành công nghiệp và dịch vụ tại Bình Dương, thông qua việc cải thiện mạnh mẽ hơn nữa những bất cập của cơ sở hạ tầng của tỉnh, thu hút đầu tư phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao; góp phần cho kinh tế của tỉnh nhà phát triển đồng bộ, hiệu quả hơn.

Chương trình “Binh Duong Navigator 2021” là một chương trình tích hợp với các thành tố cụ thể, bao gồm Lực lượng lao động (con người), Nghiên cứu và phát triển (công nghệ), DN và quan hệ DN, Môi trường, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng (yếu tố cơ bản). “Binh Duong Navigator 2021” khuyến khích các dự án được xây dựng trong 4 lĩnh vực này, trong đó đặc biệt chú trọng đến xây dựng thương hiệu và xác lập vị thế của tỉnh Bình Dương. Trong chương trình đột phá chiến lược 2021 của Đề án thành phố thông minh Bình Dương, tỉnh cũng đặt mục tiêu sẽ trở thành thành viên của diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF), dự kiến tham gia giải Smart21 - 21 khu vực thông minh trên thế giới của năm trước năm 2021. Do đó, năm 2017, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan chuẩn bị trước những điều kiện cần và đủ nhằm đáp ứng những yêu cầu của chương trình ICF đặt ra. Chương trình tập trung vào nhiều khía cạnh của nền kinh tế địa phương và những yếu tố được cho là sẽ giúp khu vực đó phát triển kinh tế, như quyền truy cập internet, hệ thống giáo dục, hệ thống đổi mới, cơ sở hạ tầng, quản lý việc hợp tác và những yếu tố khác.

Tôi cho rằng, với các giải pháp đồng bộ trong triển khai Đề án thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương sẽ có cơ hội to lớn để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, tạo tiền đề cho Bình Dương phát triển bền vững, luôn đổi mới, sáng tạo; đồng thời cải thiện sự tương tác giữa người dân và chính quyền. Qua đó, mang đến cho nhân dân một cuộc sống tiện nghi, tốt đẹp, văn minh và hiện đại hơn.

- Xin cảm ơn đồng chí!

 Những thành quả phát triển KT-XH mà Đảng bộ chính quyền và nhân dân Bình Dương đạt được hôm nay là một quá trình của sự tìm tòi, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Bình Dương với tinh thần phát huy và giữ gìn truyền thống đoàn kết, lãnh đạo quyết đoán, quyết liệt, dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Là sự phấn đấu, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng các DN. Để có được sự phát triển toàn diện từ KT-XH, văn hóa đến nhiều lĩnh vực khác, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã biết cách vận dụng sáng tạo thiên thời, địa lợi, nhân hòa, biết vận động sức mạnh toàn dân cùng đoàn kết, nhất trí một lòng…

(Đồng chí TRẦN THANH LIÊM, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh)

 

HỒ VĂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=713
Quay lên trên