Về thăm quê người anh hùng

Cập nhật: 19-03-2018 | 07:59:58

Tháng 3, giữa cái nắng chang chang như thắp lửa, chúng tôi về thăm quê hương Thạnh Hội, đất cù lao gắn liền với tên tuổi Đại tá Trần Công An “Vốn anh hùng từ thuở còn trai/ Trói Tây cướp súng giữa ban ngày”. Trong cuộc “trở mình”, “Bình Dương từ một tỉnh thuần nông vươn lên thành tỉnh công nghiệp, thì Cù lao Thạnh Hội, mảnh đất nằm giữa bốn bề mênh mông sóng nước vẫn giữ được những trầm tích văn hóa nông thôn mộc mạc. Qua cầu Thạnh Hội, chúng ta như đang tìm về một không gian tình quê láng lai của những cánh đồng xanh mướt rau, vàng hươm mùa lúa chín, đường làng bóng loáng bê tông với những hàng cây xanh…

 Xã Thạnh Hội (TX.Tân Uyên) đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: T.T

 Ở đất Sông Bé - Bình Dương lâu rồi mà trong những lần trà dư tửu hậu với bạn bè đồng nghiệp, chúng tôi mới biết đất này có nhiều cái nhất. Thời giữ nước, đất này là nơi có nhiều chiến khu cách mạng nhất, anh hùng hào kiệt đều hội tụ chung lòng chống giặc ngoại xâm. Thời xây dựng đất nước là nơi có nhiều khu cụm công nghiệp nhiều nhất. Kỹ nghệ thì sơn mài và gốm sứ từ lâu đã vượt đại dương đến với thế giới. Nông nghiệp thì nức tiếng với giống bưởi da xanh và các giống cây trồng khác bởi nhờ vào phù sa của sông nước bao năm vun bồi nên ruộng vườn tốt tươi mà Cù lao Thạnh Hội là một trong những vùng đất được thiên nhiên ưu đãi như thế. Cái cù lao ấy, theo mô tả của cụ Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí” thì đây là một trong ba mươi thắng cảnh đẹp của Nam bộ thời bấy giờ: “Cù lao Rùa ở giữa sông Phước Long (tên gọi khác của sông Đồng Nai), cách trấn lỵ về phía Tây Nam vài ba dặm, dân cư cày bừa ở dưới. Sông dài như cái dái áo, cột buồm thấp thoáng, khói tỏa, sóng nhấp nhô, như hình rùa thiêng giỡn sóng, cảnh trời mưa rất đẹp”.

Chúng tôi cùng ghé thắp hương tưởng niệm người anh hùng Trần Công An, bồi hồi và tự hào bên những vần thơ khắc trên bia mộ của ông: Thang tre lựu đạn tung đồn bốt/ Mở lối đặc công cách đánh hay/ Sân bay Biên Hòa trên họng pháo/ Kho Long Bình trong túi đặc công/ Bao mùa chiến dịch ghi chiến tích/ Hòa cùng truyền thống đất miền Đông. Nhà báo Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài PTTH Đồng Nai, người con nặng lòng với quê hương Thạnh Hội khi nói về nhân vật Trần Công An, ông rất thán phục và đặc biệt kính trọng. Ông nói, tác gia Tố Hữu có câu thơ “Cha con chung câu đồng chí, chung khúc quân hành…” nhưng gia tộc của anh hùng Trần Công An thì bốn đời đều theo nghiệp binh, một lòng cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc với những chiến công lẫy lừng mà chiến thắng cầu Bà Kiên năm 1948 đã đi vào lý luận quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thiên nhiên ưu đãi là một lợi thế để nhân dân Thạnh Hội biết phát huy các lĩnh vực sản xuất phù hợp. Trong đó trồng rau sạch theo mô hình công nghệ cao đã và đang hình thành rõ nét ở đất này. Ông Trần Kim Quan, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội cho biết, hiện nay toàn xã đang triển khai dự án cây bạc hà, cây bí đậu theo hướng VietGAP với diện tích khoảng 4 ha. Mô hình nhà lưới trồng rau màu an toàn với diện tích hơn 2.000m2. Mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt 2.000m2 và đang triển khai tiếp dự án trồng rau trong nhà lưới 5.000m2… Nhìn chung nông sản bà con làm ra đều đạt chất lượng tốt nên thị trường trong tỉnh và chợ đầu mối Thủ Đức đều đón nhận, tiêu thụ nhanh. Nhờ cây rau, cây lúa mà đời sống của nhân dân ngày càng phát triển rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 44 triệu đồng, phấn đấu 2018 đạt 50 triệu đồng.

Điều đáng ghi nhận là trong những năm qua chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thạnh Hội được triển khai đồng bộ và tích cực, đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014. Từ năm 2016 đến nay, xã đã nâng cấp, duy tu, sửa chữa 10 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, ngõ xóm với tổng chiều dài khoảng 3,8km. Xây dựng gần 600m hệ thống mương thoát nước 100% tuyến đường trong xã đều được nhựa hóa; các tuyến đường liên ấp, ngõ xóm cũng được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông. Xác định việc xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện một nội dung quan trọng của Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, đồng thời nhằm mục đích xây dựng quê hương Thạnh Hội trở thành một xã nông thôn mới có kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội từng bước hiện đại phù hợp ở vùng nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. với số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Bảo đảm

Ngoài thế mạnh phát triển cây rau màu, đất Thạnh Hội cũng có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Ông Quan cho biết thêm, trong tương lai, xã sẽ từng bước hình thành tuyến du lịch liên kết trong khu vực như Khu du lịch Bửu Long của Đồng Nai chỉ cách Thạnh Hội một con sông, làng bưởi Tân Triều của huyện Vĩnh Cửu cách đó cũng không xa và sau đó là đến thăm Khu di tích khảo cổ Cù lao Rùa, mộ cổ đá vôi của xã Thạnh Hội.

Tháng 3 này, quê hương Thạnh Hội và Thạnh Phước tự hào kỷ niệm 70 năm Chiến thắng cầu Bà Kiên và vui mừng trước những thành quả đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng đổi mới. Rời mảnh đất sinh ra người anh hùng đặc công, chúng tôi đến với mảnh đất nơi ghi dấu trận đánh đặc công đầu tiên tại cầu Bà Kiên ngày 19-3-1948. Từ lâu nói đến người dân Thạnh Phước là nói đến truyền thống lao động cần cù, nhân hậu, nồng nàn yêu quê hương đất nước. Ngược dòng lịch sử của xã nhà là cả một chặng đường đấu tranh lâu dài chống thiên tai, địch họa với chiều dài lịch sử 300 năm. Ngay trong thời Pháp thuộc, nhân dân Thạnh Phước đã bộc lộ ý chí kiên cường bất khuất, đau trước nỗi đau của người dân nô lệ bị áp bức, tham gia đấu tranh từ bí mật đến công khai chống thực dân Pháp. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thạnh Phước sớm giác ngộ cánh mạng, một lòng một dạ theo Đảng làm cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần cùng cả nước, cùng tỉnh nhà đi lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Khác với Cù lao Thạnh Hội có thế mạnh để định hướng phát triển nông nghiệp, Thạnh Phước trong những năm qua đã hòa mình vào công cuộc đổi mới của tỉnh nhà, phát triển theo cơ cấu kinh tế công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Về Thạnh Phước hôm nay mới thấy sự đổi thay từng ngày. Phố xá sầm uất, nhà máy công nghiệp mọc lên càng nhiều, đời sống nhân dân nhờ thế ngày càng được nâng cao. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Thạnh Phước cho biết, năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của nhân dân Thạnh Phước đạt 48 triệu đồng. Đây là con số rất phấn khởi bởi so với nhiệm kỳ trước, thu nhập bình quân chỉ ở mức 28 triệu đồng. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2018, phường Thạnh Phước đặt ra những chỉ tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2% so với năm 2017, tổng doanh thu thương mại dịch vụ tăng 3% so với năm 2017, phấn đấu người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89% trên tổng dân số.

Thạnh Hội, Thạnh Phước hôm nay chung niềm tự hào, cờ đỏ tung bay, nhân dân rộn ràng kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên. Tin rằng, với truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông, thế hệ hôm nay càng thêm động lực để chung sức chung lòng phát huy lợi thế, tiềm năng xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp.

 KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=518
Quay lên trên