Vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc nhân dân - Bài 2

Cập nhật: 27-08-2019 | 09:24:39

Bài 2: Hàn gắn vết thương chiến tranh

 Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Thủ Dầu Một bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, chất độc hóa học. Hàng vạn ha ruộng vườn còn đầy rẫy bom mìn... Vì vậy, sau chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một đã phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh; bắt tay vào khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân; xây dựng quê hương đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ đã từng mong.

 Ngay sau khi đất nước thống nhất, Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân; xây dựng quê hương đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ đã từng mong. Trong ảnh: Chiến khu Thuận An Hòa xưa, nay lấp lánh sắc màu công nghiệp hóa, đô thị hóa. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Củng cố, xây dựng chính quyền

Trong hai cuộc kháng chiến, Thủ Dầu Một là địa phương có nhiều căn cứ kháng chiến quan trọng của miền Đông Nam bộ, như Thuận An Hòa, Long Nguyên, Chiến khu Đ... Đối với địch, Thủ Dầu Một là địa bàn án ngữ, là tuyến phòng ngự chủ yếu bảo vệ cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Vì vậy, địch đã sử dụng bom đạn và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, tiến hành thí điểm nhiều thủ đoạn chiến tranh thâm độc và tàn bạo để đánh phá phong trào cách mạng địa phương.

Chiến tranh qua đi để lại cho Thủ Dầu Một, rồi Sông Bé và sau này là Bình Dương những hậu quả vô cùng nặng nề. Đó là rừng bị bom đạn, chất độc hóa học tàn phá, hủy diệt. Hàng vạn ha ruộng vườn còn đầy rẫy bom mìn, hoang hóa. Hàng chục ngàn lao động ở thị xã, thị trấn và trong các ấp chiến lược mới giải phóng không có việc làm. Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở một bộ phận dân cư cả ở vùng căn cứ và vùng mới giải phóng. Nhân dân vùng căn cứ cũng như vùng nông thôn sau giải phóng trở về xóm cũ sản xuất trong muôn vàn khó khăn, không có nhà cửa, không máy móc, phương tiện sản xuất. Hàng vạn người mù chữ, hàng ngàn gia đình rơi vào cảnh thiếu đói nghiêm trọng. Khi đó, Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một có sứ mệnh lịch sử mới là lãnh đạo quân và dân trong tỉnh phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn để xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Là người may mắn nhiều lần gặp, nói chuyện thân tình với ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên là Chủ tịch Ủy ban Quân quản tỉnh Thủ Dầu Một, tôi được ông kể cho nghe về những ngày sắp giải phóng. Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản và điều hành sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Tỉnh ủy đã thành lập Ủy ban Quân quản để thay mặt chính quyền (trong khi chưa thành lập được chính quyền) tổ chức quản lý, điều hành xã hội, xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở. Ban Quân quản sử dụng lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ quân quản. Ngay sau khi thành lập, Ủy ban Quân quản đã triển khai những biện pháp tích cực nhằm thiết lập lại trật tự xã hội, giữ vững và củng cố an ninh chính trị, từng bước ổn định đời sống nhân dân.

Nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách của cách mạng sau khi đánh đổ chính quyền tay sai là củng cố, xây dựng chính quyền; tập trung xây dựng, củng cố cơ sở, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, trong thời gian này, tỉnh Thủ Dầu Một vừa giải quyết nhu cầu cấp bách về số lượng cán bộ, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng.

Diệt “giặc đói, giặc dốt”

Ông Nguyễn Văn Hữu cho biết sau giải phóng, tỉnh tiếp quản hầu như nguyên vẹn thị xã, thị trấn nhưng cơ sở vật chất của địch để lại phục vụ cho đời sống dân sinh rất nhỏ bé so với nhu cầu thực tế. Ở vùng giải phóng cũ, ruộng đất hoang hóa nhiều, dân cư thưa thớt, thiếu lao động và cả công cụ, vật tư sản xuất. Ngược lại, vùng mới được giải phóng do hậu quả từ thủ đoạn gom dân bắt lính của địch để lại, hàng vạn người thất nghiệp, không việc làm, đời sống đói khổ. Vì vậy, yêu cầu cấp bách lúc này là bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng chính quyền, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa - xã hội cho nhân dân.

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ đã động viên quân dân trong tỉnh khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế, trước mắt là sản xuất nông nghiệp, sản xuất cây lương thực, rau màu ngắn ngày. Đồng thời, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và ban ngành của tỉnh, huyện có kế hoạch bố trí lại lực lượng lao động, giải quyết nạn thất nghiệp. Chỉ trong 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9-1975), tỉnh đã đưa 30.000 dân từ thị xã, thị trấn, khu cư xá gia binh và đón nhận 70.000 người từ Sài Gòn lên xây dựng vùng kinh tế mới. Đây là nhiệm vụ mới mẻ, phức tạp và phải bảo đảm các nhu cầu thiết yếu ban đầu cho các điểm kinh tế mới như phương tiện sản xuất, nhà ở, bảo đảm lương thực...

Thời điểm này, trở ngại lớn nhất đối với nhân dân khi khai hoang sản xuất là bom mìn của địch còn nằm rải rác rất nhiều. Vì vậy, Tỉnh ủy chỉ đạo cho lực lượng vũ trang của tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực đứng chân trên địa bàn rà tháo gỡ bom mìn, giải phóng đất đai cho dân sản xuất. Các đơn vị công binh của tỉnh, huyện và đơn vị công binh Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) đã tổ chức rà phá, tháo gỡ hàng chục vạn trái mìn, bom đạn, giải phóng hàng ngàn ha đất phục vụ nhu cầu xây cất nhà cửa, làm cầu cống, mở đường giao thông và đất sản xuất.

Để vực dậy ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh việc thành lập một số xí nghiệp quốc doanh như Sơn mài Thành Lễ, Cơ khí 30-4... Tỉnh ủy còn chủ trương khuyến khích các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tư nhân, nhất là những nghề truyền thống lâu đời như gốm sứ, sơn mài...; đẩy mạnh sản xuất, tăng lượng hàng hóa cho thị trường. Nhờ vậy, 450 cơ sở sản xuất lò gạch, lò gốm, lò đường đã hoạt động trở lại, cung cấp hàng hóa phục vụ đời sống, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động.

Cùng với nhiệm vụ ổn định chính trị, trật tự xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã quan tâm sâu sắc đến xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, y tế nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Để đẩy lùi nạn dốt, ngành giáo dục đã kịp thời mở gần 400 lớp bổ túc văn hóa cho gần 10.000 người học. Song song đó, ngành y tế cũng khôi phục lại công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ở các bệnh viện tỉnh, huyện ngay từ những ngày đầu tiếp quản.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn trong thời gian đầu sau giải phóng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chính quyền, chỉ trong thời gian ngắn, kết hợp cải tạo với xây dựng, các cấp, các ngành đã huy động mọi lực lượng, mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Hệ thống bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được tổ chức và xây dựng, hoạt động từng bước phát huy được hiệu lực, động viên sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước của nhân dân trong tỉnh, tiến hành công cuộc xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong chặng đường mới. (còn tiếp)

 Để vực dậy ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh việc thành lập một số xí nghiệp quốc doanh như Sơn mài Thành Lễ, Cơ khí 30-4... Tỉnh ủy còn chủ trương khuyến khích các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tư nhân, nhất là những nghề truyền thống lâu đời như gốm sứ, sơn mài...; đẩy mạnh sản xuất, tăng lượng hàng hóa cho thị trường. Nhờ vậy, 450 cơ sở sản xuất lò gạch, lò gốm, lò đường đã hoạt động trở lại, cung cấp hàng hóa phục vụ đời sống, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động...

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=450
Quay lên trên