Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ tháng 3/2022.
Nhân kỷ niệm 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2022), đặc biệt sau 2 năm cả thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, hai bên đã khởi động lại các cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn, nỗ lực thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương.
Về chính trị-ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực.
Ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hai bên đã có các cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, bao gồm cả cấp cao, trong đó đáng chú ý là các hoạt động song phương với Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề kỳ họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (tháng 9/2021) và chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ (tháng 5/2022), cũng như các cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đặc phái viên John Kerry bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) (tháng 10/2021).
Việt Nam cũng đón thành công nhiều đoàn Hoa Kỳ sang thăm, trong đó nổi bật là đoàn Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris (tháng 8/2021), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (tháng 7/2021), đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry (tháng 2/2022), Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman (tháng 6/2022)…
Hai bên duy trì các cơ chế đối thoại dưới hình thức trực tuyến và linh hoạt duy trì các trao đổi thông qua thư từ và điện đàm.
Trong các trao đổi, phía Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập và thịnh vượng,” tiếp tục đánh giá cao vị thế và coi trọng quan hệ với Việt Nam, đề nghị hai bên tiếp tục có các bước đi để tăng cường quan hệ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, y tế.
Về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tính đến tháng 5 đạt gần 11,2 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Hai bên tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững; đồng thời tiếp tục duy trì đối thoại để tăng cường hợp tác và giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quan hệ thương mại.
Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr. đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 5/2022.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 5/2022), doanh nghiệp hai nước đã trao đổi nhiều thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại với tổng giá trị trên 30 tỷ USD.
Đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam. Phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, kinh tế số.
Ngày 29/3 vừa qua, tập đoàn Vinfast ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina.
Hợp tác an ninh-quốc phòng được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và nâng cao năng lực hàng hải.
Một số chuyến thăm nổi bật gồm Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (tháng 7/2021), Trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí Alexandra Bell (tháng 6/2022)… thăm Việt Nam.
Trong các cuộc trao đổi, hai bên đánh giá cao quan hệ song phương nói chung và hợp tác an ninh-quốc phòng nói riêng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong nhiều nội dung quan trọng.
Hai bên đang tích cực thúc đẩy các cơ chế đối thoại thường niên và phối hợp triển khai Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 22 tại Phú Yên (tháng 6/2022)...
Lễ bàn giao hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam ngày 9/7/2021.
Vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên. Hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA), tìm kiếm liệt sỹ Việt Nam, xử lý dioxin, hỗ trợ người khuyết tật tiếp tục được đẩy mạnh.
Việt Nam tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai Bản Ghi nhớ ý định (MOI) về hợp tác nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh. Trong chuyến thăm Việt Nam, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã thông báo Hoa Kỳ sẽ bổ sung ngân sách 19 triệu USD trong năm 2022 để giúp Việt Nam tiếp tục rà phá bom mìn.
Hợp tác giáo dục đạt được nhiều bước tiến tích cực thời gian gần đây với việc hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Cơ quan Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) công bố khoản ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ trị giá 37 triệu USD cho trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) vay để xây trường ở quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục phối hợp triển khai việc chuẩn bị cho tình nguyện viên Hoa Kỳ vào Việt Nam giảng dạy tiếng Anh.
Hiện nay, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương.
Hợp tác y tế và ứng phó với đại dịch COVID-19 tiếp tục là điểm sáng, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân. Việt Nam tích cực vận động phía Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19.
Đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 40 triệu liều vaccine, trong đó có gần 39 triệu liều thông qua cơ chế COVAX.
Phía Hoa Kỳ chuyển cho Việt Nam 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vaccine của Pfizer; đề xuất viện trợ bộ xét nghiệm nhanh CUE do Hoa Kỳ sản xuất và phối hợp chuyển giao công nghệ vaccine mRNA mới nhất và thuốc điều trị cho đối tác Việt Nam.
USAID đã tài trợ lắp đặt hệ thống oxy lỏng tại bệnh viện Bạch Mai nhân chuyến thăm của Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman. Phía Hoa Kỳ cũng đã khai trương Văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris.
Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, phòng chống đại dịch COVID-19; đặc biệt là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trong các cơ chế của ASEAN.
Vừa qua, Việt Nam cùng 6 nước ASEAN khác tham gia khởi động thảo luận Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEFP) với Hoa Kỳ và các đối tác khác và tham dự Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu (MEF) do Tổng thống Hoa Kỳ chủ trì.
Những vấn đề hợp tác nổi bật trên đã và đang thể hiện triển vọng tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ./.
Theo TTXVN