Việt Nam - thành viên tin cậy, chủ động, trách nhiệm của Liên hợp quốc

Cập nhật: 20-09-2020 | 10:35:32

Tối 7/6/2019 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố Việt Nam chính thức trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Theo kết quả bỏ phiếu, có tổng cộng 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng l
 

 

Ngày 20/9 - ngày kỷ niệm 43 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Trong chặng đường ấy, Việt Nam từ một nước nhỏ, chỉ biết đến chiến tranh đói nghèo, đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên hợp quốc cũng không ngừng được củng cố, phát triển và Việt Nam luôn nỗ lực là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm của Liên hợp quốc.

Những dấu mốc trong quá trình tham gia Liên hợp quốc

Ngược dòng lịch sử, Liên hợp quốc chính thức được thành lập ngày 24/10/1945 với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết.

Việt Nam có nguyện vọng tham gia Liên hợp quốc từ rất sớm, chỉ 4 ngày sau khi tổ chức này họp khóa đầu tiên, ngày 10/1/1946 tại thủ đô London (Anh).

Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, phải đợi 31 năm sau, qua bao thăng trầm của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, ngày 20/9/1977, đúng 9 giờ sáng tại tòa sảnh chính của trụ sở Liên hợp quốc, lễ thượng cờ Việt Nam được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của Liên hợp quốc.

Đây là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ.

Trong giai đoạn 1977-1986, Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và từng bước khôi phục sản xuất. Liên hợp quốc đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt hơn 500 triệu USD.

Hợp tác với Liên hợp quốc đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển.

Trong giai đoạn 1986-1996, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới. Cho tới cuối những năm 1980, Liên hợp quốc chiếm tới gần 60% tổng số viện trợ cho Việt Nam ngoài nguồn từ các nước xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn này, viện trợ không hoàn lại của Liên hợp quốc cho Việt Nam đạt trên 630 triệu USD.

Từ đầu những năm 1990, nhiều nước trong Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD), các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực nối lại viện trợ cho Việt Nam nhưng Liên hợp quốc vẫn chiếm 30% viện trợ kỹ thuật từ bên ngoài.

Các dự án hợp tác là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan và trình độ cán bộ trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới; đồng thời Liên hợp quốc tiếp tục có những đóng góp có giá trị đối với việc nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, và giải quyết các vấn đề xã hội khác của Việt Nam.

Trong giai đoạn 1997-2011, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cở sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.

Hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.

Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm Vũ khí Hóa học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ Quân bị (CD) năm 1996.

Ngoài ra, ta sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị lớn như Hội nghị Kiểm điểm NPT 2000, 2005 và 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003...

Việt Nam cũng tham gia đầy đủ và thực chất vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc, như Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997, tham gia Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) (1998-2000).

Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển Liên hợp quốc mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này. Mô hình hợp tác 3 bên (ban đầu giữa Việt Nam, FAO, Senegal về trồng lúa) đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam-Nam.

Việt Nam cũng chủ động tham gia sâu hơn vào hệ thống Liên hợp quốc thông qua việc là thành viên Hội đồng chấp hành UNDP/UNFPA (nhiệm kỳ 2000-2002), ECOSOC (1998-2000)...

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức phát triển Liên hợp quốc thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao.

Trong giai đoạn 2012-nay, trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất Hành động - Một Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung tiếp theo của Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2016, phù hợp với dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội (SEDP) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (SEDS) của Việt Nam.

Là một trong tám nước thí điểm triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động trên thế giới, nhìn chung, sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quóc tại Việt Nam.

Ngày 1/1/2014, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016). Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018.

Trong năm 2017, Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và năm 2018 là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này.

Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc cũng như vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy Liên hợp quốc phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại.

Không chỉ là thành viên tích cực trong nỗ lực chung tay xây dựng hòa bình, Việt Nam luôn đề cao sự cần thiết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực...

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc cũng như về vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - sứ mệnh quốc tế cao cả

Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hai sỹ quan Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ sỹ quan liên lạc tại phái bộ Nam Sudan.

Ngày 1/10/2018, Việt Nam lần đầu tiên cử một đơn vị là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường sang Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

 

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đảm nhiệm trọng trách chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân viên Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan trong một năm.

Tiếp đó, đến tháng 11/2019, 63 cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Sau 6 năm, Việt Nam đã triển khai hàng trăm quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Riêng tại hai phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Việt Nam hiện đã cử 73 quân nhân, trong đó có 12 nữ (chiếm tỷ lệ 16%) tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

Tháng 6/2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn trung tâm huấn luyện quốc tế ở khu vực và sẽ triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác 3 bên trong thời gian tới (Việt Nam, Liên hợp quốc và một nước đối tác).

Việc Việt Nam được lựa chọn trở thành địa điểm huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình cho Liên hợp quốc tại Đông Nam Á một lần nữa cho thấy đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những cam kết và kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.

Đóng góp tích cực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ 2008-2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hoà bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh Hội đồng Bảo an phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại.

Trong thời gian đó, Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng trong Hội đồng bảo an, đặc biệt là trong việc ủng hộ Nghị quyết của Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây là một nghị quyết có tính chất lịch sử của Liên hợp quốc. Hiện Việt Nam cũng đang tăng cường vai trò của mình trong việc tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình.

Ngày 7/6/2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu 192/193.

Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (2020-2021), Việt Nam đã công bố 7 ưu tiên chính bao gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương Liên hợp quốc; Cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương Liên hợp quốc; Vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; Phụ nữ, hòa bình, an ninh và trẻ em trong xung đột vũ trang; Khắc phục hậu quả xung đột (gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột); Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.

Trong 9 tháng qua, trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), Việt Nam đã chủ động, tham gia sâu, và nắm bắt các cơ hội để thúc đẩy quan tâm lợi ích và ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an một cách hiệu quả hơn.

Sự chủ động của Việt Nam còn thể hiện ở việc cùng 8 nước thành viên không thường trực khác đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp trực tuyến thảo luận về đại dịch COVID-19 vào đầu tháng 4/2020 và đây là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an về vấn đề này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia và có nhiều đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng các văn kiện của Hội đồng Bảo an, đáp ứng quan tâm chung và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động, đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước, các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, quốc tế và báo giới.

Việt Nam cũng đã để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện là: Thảo luận mở của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Phiên họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an.

Cả hai sáng kiến trên còn được dư luận đánh giá là “đúng, trúng và kịp thời” trong tháng đầu tiên của năm 2020.

Vai trò và sự tham gia của Việt Nam trong Hội đồng Bảo an đã nhận được nhiều nhận định và đánh giá tích cực từ phía lãnh đạo Liên hợp quốc, các nước và dư luận quốc tế.

Điều này góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam tự tin phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình, đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động của Liên hợp quốc, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1053
Quay lên trên