Vươn tầm để xứng đáng với truyền thống vẻ vang

Cập nhật: 28-04-2023 | 08:34:08

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Khắc sâu lời dạy của Người, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ “trồng người” vẻ vang, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Dương luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức và gặt hái nhiều kết quả đáng tự hào, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, giàu đẹp và nghĩa tình.

 Học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh đi tham quan thực tế mô hình học tập hiện đại tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông

 Dấu ấn chất lượng

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp cùng những thành tựu của nền giáo dục tỉnh Sông Bé, ngành GD&ĐT Bình Dương đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về đội ngũ, cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng.

Nếu như năm học 1975- 1976, trên địa bàn Thủ Dầu Một (tỉnh Sông Bé) có hơn 1.500 phòng học là nhà cấp 4, tranh tre tạm thời với tổng số trên 2.300 cán bộ, giáo viên và khoảng 100.000 học sinh, thì đến nay quy mô mạng lưới trường lớp các cấp học trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 730 trường, trung tâm ở các cấp học. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 579 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục. Tổng số học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT toàn tỉnh là 511.953 học sinh. Tổng số công chức, viên chức, nhân viên toàn ngành là 20.044 người. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 trường đại học, trong đó có 3 trường ngoài công lập với hơn 31.000 sinh viên.

Bình Dương đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ mức độ 2, hoàn thành xóa mù chữ; đạt phổ cập giáo dục TH mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt tiêu chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh luôn nằm trong nhóm những tỉnh đứng đầu cả nước về chất lượng tốt nghiệp THPT. Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia của tỉnh 3 năm gần đây có những kết quả đáng khích lệ, mỗi năm đều đạt trên 30 giải. 100% trường học trong tỉnh là công trình kiên cố, trong đó có 315/392 trường, trung tâm công lập được lầu hóa, đạt tỷ lệ 80,35%. Các thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại đã đáp ứng yêu cầu dạy học theo phương pháp trải nghiệm, sáng tạo và hỗ trợ học sinh tiếp cận công nghệ 4.0 đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Trường đại học do tỉnh thành lập đứng thứ 15 trên bảng xếp hạng 100 trường đại học cả nước…

Cần có sự đầu tư đột phá

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành GD&ĐT tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn thách thức. Những năm gần đây tỉnh có tốc độ tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo trình độ đại học, sau đại học của địa phương còn nhỏ và hạn chế; chất lượng và số lượng đào tạo còn khiêm tốn, mới đáp ứng được một phần yêu cầu của xã hội, nhất là ở những ngành nghề mà tỉnh và vùng đang cần như kinh tế, tài chính, logistics, trí tuệ nhân tạo…

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, để Bình Dương tiếp tục phát triển bền vững thì câu chuyện GD&ĐT trên địa bàn tỉnh cần giải quyết thấu đáo, bài bản, chiến lược. “Bình Dương cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện thật tốt chương trình GDPT 2018. Với sự quan tâm của tỉnh, với tiềm năng, tiềm lực thực tế, thời gian tới, giáo dục Bình Dương chắc chắn sẽ vượt qua thách thức, có được kết quả tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành GD&ĐT tỉnh là rất to lớn và nặng nề. Đó là tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa; khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng Bình Dương và đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, Bình Dương sẽ huy động, tập trung trí tuệ, tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ của  các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp tục quan tâm, ưu tiên phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục ở nhiều cấp độ. Đồng thời, tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và theo tình hình, điều kiện thực tiễn ở mỗi giai đoạn của tỉnh để bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp cho các cấp học theo từng năm, trung hạn, dài hạn nhằm bảo đảm cho học sinh có đủ chỗ học, nhất là con em công nhân lao động.

 Tính đến tháng 5-2022, Bình Dương đã bố trí, đầu tư xây dựng 265 công trình trường học với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng (bình quân hơn 1.000 tỷ đồng/ năm). Theo quy hoạch, tỉnh sẽ đầu tư khu liên hợp văn hóa - thể dục - thể thao - y tế - giáo dục với quy mô 1.500 ha, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất để phát triển cơ sở giáo dục đại học. Song song đó, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thông qua xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm giảm áp lực cho nhà nước về ngân sách và biên chế sự nghiệp…

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=265
Quay lên trên
X