Xã An Tây, TX.Bến Cát: Khai thác tốt lợi thế để phát triển

Cập nhật: 19-12-2017 | 08:38:37

Từ một xã thuần nông, có điểm xuất phát thấp, đến nay xã An Tây, TX.Bến Cát đã có sự phát triển mạnh mẽ. Kết quả nổi bật là thu nhập bình quân của người dân trong xã tăng cao qua các năm; năm 2017 đạt trên 46 triệu đồng/người.

 Cùng với các địa phương trong tỉnh, những năm qua xã An Tây, TX.Bến Cát đã thực hiện tốt chủ trương thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn. Ông Trần Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã An Tây cho biết, thời gian qua địa phương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp đã thúc đẩy kinh tế An Tây phát triển mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Hệ thống cơ sở hạ tầng ở xã An Tây, TX.Bến Cát được đầu tư khá bài bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đây đầu tư. Ảnh: T.PHƯƠNG

Đến nay, trên địa bàn xã An Tây có 3 khu công nghiệp với gần 90 công ty đang hoạt động. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã còn có 50 công ty hoạt động ngoài khu công nghiệp, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương và ngoài tỉnh.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tuy sức đóng góp vào sự phát triển kinh tế của xã An Tây không lớn nhưng qua từng năm tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Trong năm 2017, tổng diện tích cây lúa nước trên địa bàn đạt khoảng 450 ha; vụ Đông - Xuân năng suất bình quân 5,5 - 6 tấn/ha, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Trong khi đó, diện tích trồng cây cao su trên địa bàn khoảng 440 ha; diện tích trồng cây ăn trái 107 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản cây rau màu xen canh 3 ha.

Toàn xã đã thành lập được 5 tổ hợp tác, gồm 3 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, 1 tổ hợp tác làng mai và 1 tổ hợp tác chăm sóc cao su, với 57 hộ tham gia. Các tổhợp tác đều hoạt động ổn định và có hiệu quả, thu nhập của các tổ viên tăng dần qua các năm.

Kết quả nổi bật của quá trình phát triển kinh tế của xã An Tây là thu nhập của người dân tăng nhanh qua các năm. Cụ thể, năm 2012 thu nhập bình quân của người dân trong xã là20 triệu đồng, năm 2013 tăng lên là25,1 triệu đồng, năm 2015 là 43,52 triệu đồng, năm 2017 đạt khoảng trên 46 triệu đồng. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh giảm còn 1,75%.

Tuy vậy, ông Hiếu cũng nhìn nhận tiềm năng phát triển kinh tế của xã còn rất lớn, cần được khai thác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ông Hiếu đã chỉ ra những khó khăn mà An Tây đang tập trung giải quyết, đó là hiệu quả kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp chưa cao; trong khi đó hoạt động thương mại - dịch vụ còn hạn chế, mang tính nhỏ lẻ… Trên cơ sở đó, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thủy sản, canh tác cây nông nghiệp; đồng thời khuyến khích nông dân đầu tư mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, xã tiếp tục giữ vững và phát triển diện tích cây ăn trái - cây trồng chủ lực của xã, tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn.

Đối với ngành chăn nuôi, xã An Tây sẽ tập trung phát triển và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, nhất là đàn heo, bò, gà; đồng thời làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; khuyến khích phát triển theo hình thức chăn nuôi tập trung với quy trình khép kín, bảo vệ môi trường...

Năm 2018, xã An Tây phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng từ 10%; số hộ kinh doanh dịch vụ - thương mại tăng 10% so với năm 2017...

 

THOẠI PHƯƠNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=933
Quay lên trên