Cho học sinh (HS) cấp tiểu học học bán trú là nhu cầu chính đáng của phụ huynh HS. Tuy nhiên, do số HS tăng cao hàng năm, các trường tiểu học không đáp ứng được việc tổ chức bán trú và dạy buổi 2 cho các em, do đó những mô hình xã hội hóa bán trú ở những địa phương có số HS gia tăng hàng năm nhằm góp phần giảm tải cho những trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày là cần thiết.
Giáo viên cơ sở bán trú tiểu học Tân Định An rèn chữ cho học sinh
Từ nhu cầu thực tế của phụ huynh
TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên là những địa phương có số HS tiểu học gia tăng mỗi năm. HS tăng nhanh, nhiều trường buộc phải cắt giảm các lớp bán trú, lớp học 2 buổi/ngày còn học 1 buổi, thậm chí có những trường còn xóa hẳn bán trú để đủ phòng học bố trí cho tất cả HS. Trong khi đó, đa số HS là con em công nhân lao động, họ gặp không ít khó khăn trong việc đưa rước, quản lý con em ngoài giờ học. Thấy được nhu cầu này, nhiều cá nhân đã tổ chức giữ HS buổi 2 tại nhà. Để thu hút HS, họ tổ chức đón các em sau giờ tan trường, tổ chức cho ăn uống và dạy học vào buổi còn lại. Có nơi chỉ nhận dạy thêm HS vào buổi 2, nhằm giải quyết nhu cầu gửi con em của phụ huynh HS, để họ yên tâm làm việc.
Từ sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình xã hội hóa bán trú và hình thức dạy thêm cho HS ở một số địa phương, buộc ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) phải tính toán, đưa hoạt động này vào khuôn khổ. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT, cho biết xuất phát từ tình hình trên, để các hoạt động dạy và học đi vào nề nếp, tháng 10-2013, Sở GD-ĐT đã có công văn thống nhất chủ trương “Cho phép giáo viên tiểu học dạy học các lớp 1 buổi/ngày tổ chức bán trú và hướng dẫn ôn tập HS buổi còn lại”. Thực hiện chủ trương của ngành, nhưng để được cấp phép hoạt động, các cá nhân, cơ sở phải bảo đảm quy định của ngành. Đối với cơ sở vật chất, để bảo đảm an toàn cho giáo viên và HS, cơ sở bán trú và ôn tập có diện tích trung bình 1,1m2/HS trở lên, thông thoáng, đủ độ sáng bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Kích thước bàn ghế bảo đảm theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT quy định. Tổ chức bán trú có chỗ nghỉ phù hợp cho HS, có cam kết của giáo viên về tổ chức bán trú, ăn trưa và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có kế hoạch bán trú và hướng dẫn ôn tập cho HS. Nghiêm cấm dạy bài mới cho HS.
Đáp ứng được nhu cầu
Hàng năm, TX.Thuận An là địa phương có số HS tiểu học tăng cao nhất so với các địa phương khác. Và đây cũng là địa phương có mô hình xã hội hóa bán trú đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 4 cơ sở và hàng chục điểm nhỏ lẻ được cấp phép hoạt động bán trú ngoài giờ. TX.Bến Cát cũng là địa phương có nhiều trường TH cắt giảm mạnh lớp 2 buổi và bán trú. Từ đó đã phát sinh nhu cầu gửi con em vào buổi còn lại của phụ huynh và hình thức xã hội hóa bán trú, cũng như tổ chức ôn tập cho HS vào buổi 2 ra đời ngày càng nhiều. Đến nay, toàn thị xã có 20 cơ sở, trung tâm được cấp phép hoạt động, trong đó có 2 cơ sở tổ chức bán trú cho HS tiểu học. Tương tự, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên cũng đã xuất hiện mô hình tương tự từ năm học 2017-2018 đến nay.
Việc tổ chức ôn tập ngoài giờ, tổ chức bán trú cho HS tiểu học ngoài giờ chủ yếu là những giáo viên trong ngành, giáo viên đã về hưu thực hiện. Xuất phát từ cái tâm thương yêu HS, một số cơ sở đã có sự đầu tư khá tốt. Đến thăm cơ sở bán trú Tiểu học Tân Định An, phường Tân Định (TX.Bến Cát), chúng tôi nhận thấy cơ sở được xây dựng khang trang, thoáng mát, 6 phòng học được trang bị bàn ghế đúng quy cách, có máy điều hòa. Cơ sở có khuôn viên để HS vui chơi, bếp ăn được xây theo quy trình một chiều. Đặc biệt, cơ sở còn có khoảng đất rộng trồng rau sạch, mỗi tuần các em được ăn 3 - 4 bữa từ nguồn rau này. Theo cô Nguyễn Thanh Thơ, HS ở cơ sở chủ yếu thuộc các trường tiểu học trên địa bàn TX.Bến Cát và các trường tiểu học lân cận thuộc TP.Thủ Dầu Một, như: Định Phước, Kim Đồng, Hòa Lợi, Tân Định. Để bảo đảm an toàn cho các em, hàng ngày trường tổ chức xe đón HS tại trường. Ngoài nhận HS cả ngày thứ bảy, để đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, cơ sở còn nhận giữ HS ngoài giờ khi cha mẹ các em tăng ca, giúp phụ huynh yên tâm làm việc. HS ở đây đa số có học lực kém, nên buổi chiều các cô tập trung ôn tập cho các em, dạy các em nề nếp và rèn các kỹ năng sống cần thiết.
Tương tự, trên địa bàn TX.Thuận An cũng có một số cơ sở được đầu tư phục vụ tốt việc ăn uống, ôn tập cho HS. Tại một cơ sở ở phường Thuận Giao, hàng ngày các em được trường tổ chức xe đón về cơ sở ăn uống, ngủ nghỉ và ôn tập lại kiến thức đã học buổi sáng. Để bảo đảm chất lượng, giáo viên phụ trách các lớp được cơ sở bố trí là những cô giảng dạy ở các trường công lập.
Đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, nhưng vẫn tuân theo các yêu cầu của ngành, cũng như bảo đảm sự an toàn cho các em, là yêu cầu mà các ngành GD-ĐT đặt ra và siết chặt quản lý. Tại TX.Dĩ An, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn cho HS, những trường tổ chức dạy 1 buổi phục vụ cho HS buổi ăn trưa tại trường, sau đó các em mới đến các trung tâm có tổ chức ôn tập ngoài nhà trường.
“Xuất phát từ thực tế tình hình cơ sở vật chất của các trường tiểu học hiện nay tại các khu vực trọng điểm của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh hiện nay không đáp ứng được việc tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày và bán trú, dẫn đến tình trạng nhiều HS chỉ được học 1 buổi chính khóa trong nhà trường, thời gian còn lại các cháu không được chăm sóc và hướng dẫn ôn tập. Từ thực tế đó, có rất nhiều phụ huynh HS là cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động đã đề nghị với các trường và các cơ quan quản lý giáo dục xin được gửi con em đến nhà giáo viên để được trông coi, chăm sóc và dạy dỗ sau buổi học ở trường. Đây là nhu cầu hết sức chính đáng của phụ huynh HS nhằm giúp sự tiến bộ của các cháu trong học tập, sinh hoạt và cũng để cha mẹ yên tâm làm việc”.
(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)
A.SÁNG