Thời gian gần đây, mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi đã phát triển mạnh ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Từ đó mô hình này đã giải quyết nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo điều kiện cho các chủ trang trại đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Trang trại chăn nuôi heo của anh Nguyễn Quốc Chiến tại ấp Đồng Chèo, xã Lai Uyên. Ảnh: T.BÌNH
Lai Uyên là một xã thuần nông, người dân địa phương lâu nay vẫn gắn bó với cây cao su, các loại cây ăn quả như ổi, xoài... Từ khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất.
Năm 2010 khi mới bắt đầu triển khai xây dựng NTM, ngành trồng trọt của xã được xác định là ngành kinh tế quan trọng và mô hình trang trại chăn nuôi chỉ mới xuất hiện manh mún với một số hộ có quy mô nhỏ lẻ. Đến năm 2011, bên cạnh khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để các gia đình phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn, tham quan học hỏi kinh nghiệm để phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Lai Uyên, hiện nay trên địa bàn xã có 38 hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại với tổng đàn thường xuyên trên 16.000 con; 32 hộ chăn nuôi gà trang trại với tổng đàn khoảng 300.000 con. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có một số công ty chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn như Công ty chăn nuôi heo Kim Long, Công ty Trực Điền... Cùng với đó, khoảng 70% hộ dân trong xã chăn nuôi gia súc, gia cầm lúc nông nhàn. Thời gian gần đây, trên địa bàn xã cũng đang phát triển nhanh mô hình chăn nuôi bò sữa với hơn 10 hộ nuôi, tổng đàn bò gần 100 con.
Từ phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi thu nhập của người dân trong xã không ngừng được nâng cao. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân của người dân xã Lai Uyên mới chỉ đạt 18 triệu đồng thì đến cuối năm 2014 đã tăng lên 30 triệu đồng và đang phấn đấu đạt 38 triệu đồng trong năm 2015. Những kết quả của sự phát triển và nhân rộng mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM của xã khi người dân đã thoát nghèo, thu nhập ngày một nâng cao.
Ông Trần Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lai Uyên cho biết, mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi ở địa phương đã phát triển và đang được nhân rộng. Sự phát triển của kinh tế trang trại chăn nuôi đã góp phần giúp người dân trong xã phát huy lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, góp phần quan trọng vào thực hiện xây dựng NTM của xã.
Nhìn chung, các mô hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Lai Uyên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Phần lớn chủ trang trại trên địa bàn xã hiện nay có kiến thức cơ bản, có kỹ năng quản lý và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dám đầu tư vốn và lao động mang lại giá trị thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Tuy nhiên, một số mô hình chăn nuôi của các hộ dân nơi đây chưa được cấp giấy chứng nhận là kinh tế trang trại để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có quy hoạch cụ thể để phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi một cách hiệu quả, bền vững, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, không để dịch bệnh lây lan và hỗ trợ người dân liên kết trong sản xuất, tạo đầu ra ổn định... Từ đó, giúp người nông dân có công ăn việc làm ổn định, vươn lên làm giàu và góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương.
TÂM BÌNH