Xâm nhập đường dây “chăn dắt” người già ăn xin

Cập nhật: 20-08-2011 | 00:00:00

Kỳ 2: Lật tẩy những kẻ “chăn dắt”

Trước những bức xúc của người dân sinh sống gần nơi những kẻ chăn dắt người già ăn xin, chúng tôi quyết định cung cấp toàn bộ chứng cứ, quy luật hoạt động cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Thuận An, Công an phường Bình Chuẩn để phối hợp lật tẩy bộ mặt thật của những kẻ chăn dắt ăn xin. 

Hành động

Chiều 11-8, với sự hỗ trợ của gần 10 thành viên Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Hiệp Thành (TX.TDM), cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Thuận An, Công an phường Bình Chuẩn, bảo vệ dân phố đã quyết định “bắt nóng” các đối tượng trên đường chở người đi ăn xin. Toàn bộ lực lượng được chia làm 2 tổ, cùng lúc phục kích 2 đường dây chăn dắt.

 

Từ phải qua: Hà, Dung, 2 người tàn tật và Trường (bìa trái)

Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi đã nắm được quy luật đi lại của các đối tượng cụ thể như: Sáng khoảng từ 6 đến 7 giờ, chúng chở người đi bằng xe máy (chở 3) đến các điểm xin ăn và khoảng 11 giờ chở về; chiều 15 giờ đưa đi, 22 giờ rước về. Hầu hết những người ăn xin đều bị nhốt ở trong nhà, không được đi ra ngoài hay giao tiếp với những người sinh sống xung quanh, ngoại trừ những lúc đi ăn xin.

Sau khi thống nhất các phương án bắt giữ các đối tượng, tổ thứ nhất gồm cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố và các “hiệp sĩ” phường Hiệp Thành tiến hành theo dõi đối tượng chăn dắt là 2 vợ chồng tại khu nhà trọ ở ấp Bình Phước B, phường Bình Chuẩn. Khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, người phụ nữ bắt đầu chở 2 người tàn tật đi xin ăn. Khi họ vừa đi ra khỏi nhà được một đoạn thì bị lực lượng chức năng đưa về trụ sở công an phường làm rõ. Trong khi đó, tổ thứ 2 phục kích tại khu vực gần nhà đối tượng nữ tên Dung cùng với 2 người già xin ăn. Khoảng hơn 15 giờ 30 phút, các đối tượng vẫn chưa đi ra khỏi nhà khiến lực lượng phục kích hết sức nóng ruột. Đến khoảng gần 16 giờ, các đối tượng mới đi ra khỏi nhà liền bị lực lượng chức năng đưa về Công an phường Bình Chuẩn để làm rõ. Tại cơ quan công an,  các đối tượng khai tên Lý Thị Hà (SN 1981), Đới Sỹ Trường (SN 1979) và Đới Thị Dung (SN 1975) tất cả cùng quê huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đáng chú ý là cả 3 đối tượng là anh em trong nhà nhưng chia ra để tiện chăn dắt, cụ thể: Trường là chồng của Hà và Dung là chị ruột của Trường. Qua đó cho thấy những tình tiết mà người dân phản ánh mà chúng tôi đã nêu ở kỳ trước là hoàn toàn phù hợp với những đối tượng chăn dắt bị bắt giữ. 

Giao “chỉ tiêu” cho người xin ăn!

Theo lời khai của các đối tượng, hàng ngày, Hà và Trường thay phiên nhau dùng xe máy chở những người già đến nơi đông người, cổng các công ty, xí nghiệp để xin tiền. Trường giao chỉ tiêu cho mỗi người phải xin được 100 ngàn đồng mỗi ngày nếu không sẽ bị cắt cơm và không được trả lương. Mỗi tháng, vợ chồng Hà trả lương cho người nào xin được nhiều là 1 triệu đồng/tháng, xin được ít thì 700 ngàn đồng/tháng. Theo những người dân sống gần nơi ở của vợ chồng Hà, Trường cho biết, ngoài thời gian đưa người đi ăn xin, Trường ở nhà ăn nhậu say xỉn, có khi chơi bài bạc. Mỗi khi người già xin được ít tiền trong ngày thì Trường chửi mắng, dùng tàn thuốc lá đang cháy châm vào người. Vợ chồng Trường, Hà thường khoe với hàng xóm là mới làm ăn từ đầu năm 2011 đến nay và họ đã mua được 2 thổ đất tại phường Bình Chuẩn. Trường lúc nào ra đường cũng ăn mặc bảnh bao, đi giày đắt tiền trái ngược hẳn với hình ảnh của ông già mà hắn thường chở đi ăn xin rách rưới, bẩn thỉu nhưng lại đem lại cho vợ chồng Trường thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày. Theo Công an phường Bình Chuẩn, cách 4 ngày trước khi bị bắt, đối tượng Đới Sỹ Trường đã có hành vi uống rượu say, gây mất an ninh trật tự và bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.  

Bộ mặt thật

Đối với Đới Thị Dung, là đối tượng đã được “hiệp sĩ” Trần Văn Khoa theo dõi hành vi hoạt động từ nhiều tháng trước. Lúc đó, Dung còn dùng chiếc xe máy cũ kỹ để chở 2 người già đi xin ăn. Thế nhưng, khoảng trong thời gian gần đây, Dung đã có tiền sắm xe máy hiệu Honda mới toanh. Trên người Dung ngoài nhẫn và vòng vàng, Dung còn đeo đôi bông tai bằng vàng to bằng chiếc đũa, do vậy khi ra đường Dung thường che kín mặt. Theo người dân cho biết có lần thấy bên nhà Dung cãi cọ to tiếng, khi tìm hiểu rõ mới biết do một trong 2 người già đi xin ăn trong ngày được ít tiền, vậy là Dung lớn tiếng chửi mắng thậm tệ. Người hàng xóm còn khẳng định mặc dù Dung luôn đóng kín cửa nhà nhưng họ còn nghe tiếng rầm rầm bên nhà khi xảy ra cãi nhau: “Khả năng là Dung đã đánh đập ông già đó” - một người dân bức xúc nói.

 

Đới Thị Dung và 2 ông già ăn xin được đưa về trụ sở công an để làm rõ việc chăn dắt

Tại Công an phường Bình Chuẩn, trả lời câu hỏi của chúng tôi, Đới Thị Dung thừa nhận 2 người già là do Dung đưa họ từ quê Thanh Hóa vào Bình Dương. Bà Dung nói: “Mấy bác ở quê, biết em làm ăn ở trong này nên họ cứ kéo nhau đến nhà năn nỉ đưa họ vào đây để đi ăn xin. Ở ngoài quê, họ cũng có nhà cửa, gia đình, vợ con đàng hoàng. Lúc đầu vào đây thì họ đi bán vé số nhưng mỗi ngày thu nhập không được đáng bao nhiêu nên mới chuyển qua đi ăn xin”. Như vậy, những đối tượng xin ăn và tổ chức cho người đi ăn xin không phải vì già cả, tàn tật, neo đơn mà vì hám lợi, sống dựa dẫm vào lòng thương hại của người khác.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện khá nhiều người xin ăn ở những khu vực đông người như: Chợ, trạm đổ xăng, cổng các công ty, xí nghiệp... Hầu hết những người này là người ngoại tỉnh. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận rằng công việc thu gom đưa những người lang thang, xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội của ngành lao động - thương binh và xã hội trong tỉnh chưa thực sự quan tâm, thực hiện quyết liệt. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tố giác hành vi của những kẻ chăn dắt ăn xin chưa thực hiện tốt; hiện chưa có chế tài hay quy định để xử lý việc chăn dắt ăn xin, đối tượng dễ dàng chối tội; công tác đấu tranh, phòng ngừa gặp nhiều khó khăn do các đối tượng bao che cho nhau... Qua đây, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cần có phương án giải quyết hiệu quả tình trạng lang thang, xin ăn nơi công cộng gây mất mỹ quan, thiện cảm, nhất là đối với một tỉnh phát triển như Bình Dương.

ĐỖ TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=414
Quay lên trên